Vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát: Nợ mãi những ân tình!

Hàng ngàn ngư dân Bình Thuận, Ninh Thuận đã ôm chầm lấy nhau mừng rơi nước mắt khi đón nhận thông tin tốt lành này. Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có hàng vạn rạn san hô quý hiếm và vùng biển này là một trong 18 vùng nước trồi quan trọng bậc nhất của thế giới đã chính thức vượt qua sóng gió. Khó có thể kể hết những cung bậc cảm xúc của chúng tôi và những nhà khoa học, người dân tham gia phản biện dự án này bởi có lúc hồi hộp đứng tim, tưởng như đã tuyệt vọng.

Tháng 11-2016,  Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 khởi động dự án, gửi hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển, Bộ TN&MT đã có công văn gửi các đơn vị liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị thẩm định, cho ý kiến. Thời điểm đó Pháp Luật TP.HCM đã có 20 bài viết phản biện, đồng thời tham gia tọa đàm cùng các nhà khoa học để phản biện lại dự án này. Sau khi Bộ NN&PTNT có công văn phản đối,  Bộ TN&MT cũng quyết định lập hội đồng thẩm định và tạm dừng dự án để đánh giá, xem xét lại.

Thời gian cứ trôi đi trong sự chờ đợi và hy vọng. Thế nhưng cuối tháng 6-2017, Bộ TN&MT bất ngờ cấp phép cho Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 (giảm nửa triệu m3) bùn, cát xuống biển chỉ cách vành đai bảo vệ Hòn Cau chưa tới 2 km. Vĩnh Tân 1 đã tập kết sà lan, cơ giới, phao quây, màn chắn bùn để chuẩn bị hoạt động nạo vét, nhận chìm theo giấy phép. 

Chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục phản biện dù chỉ là hy vọng cuối cùng, bởi chúng tôi nghĩ rằng khu bảo tồn quý giá như Hòn Cau và  đời sống của hàng vạn đồng bào nơi đây cần phải được bảo vệ tới cùng. Đó còn là tương lai của con cháu xứ biển nữa.

Dưới sự thôi thúc của hàng vạn độc giả hướng về tờ báo có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong sự vụ này, những lời gửi gắm của bao ngư dân, những món nợ với bao người ủng hộ không may gặp rắc rối và đặc biệt đó cũng là sự âm thầm giúp đỡ của rất, rất nhiều người…, chúng tôi đã lại vào cuộc mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bằng sự giúp đỡ của bạn đọc, của người dân tỉnh Bình Thuận,  sự hỗ trợ tối đa của các chuyên gia, những nhà hải dương học (trong đó lớn nhất là của TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang), các đại biểu Quốc hội…, hàng chục bài báo, bản tin về sự vụ này đã tiếp tục ra đời. Trong đó rất nhiều bản tin, nhất là vụ phát hiện ra việc mạo danh nhiều nhà khoa học trong hồ sơ dự án nhận chìm mang tính đấu tranh rất cao, làm lung lay các luận cứ cấp phép của dự án.

 Chính lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT rồi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cũng vô cùng bất ngờ khi đọc được thông tin này. Và cũng chính thông tin này đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng lưu tâm và có những chỉ đạo kịp thời đến Chính phủ. Cuối cùng thì Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các tác động liên quan và Chính phủ ra quyết định cho dừng việc nhận chìm xuống vùng biển Tuy Phong.

Chúng tôi nhận thấy chính là sự âm thầm giúp đỡ của rất nhiều người, sự ủng hộ, chia sẻ không mệt mỏi của hàng ngàn, hàng vạn độc giả - chính họ chứ không phải ai khác đã làm nên thành công của loạt bài này.

 Chúng tôi vẫn nợ mãi những ân tình này!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.