Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa có công văn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến các biện pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Theo đó, ngoài việc đề nghị đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt, tỉnh còn kiến nghị dừng cấp phép nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xuống biển Bình Thuận.
Vượt khả năng chịu tải của Khu bảo tồn Hòn Cau
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc tác động môi trường cộng hưởng của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là rất lớn.
Tại đây có năm nhà máy nhiệt điện và cảng tổng hợp Vĩnh Tân sẽ có các hoạt động: Nhận chìm vật chất nạo vét, các bãi thải xỉ (tổng lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 3,3 triệu tấn/năm), tổng lượng nước làm mát của năm nhà máy thải ra biển khoảng 28,3 triệu m3/ngày), khói… Các hoạt động này cộng hưởng sẽ vượt quá khả năng chịu tải của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng lớn đến khu vực biển Vĩnh Tân là nơi sản xuất tôm giống tập trung uy tín của cả nước.
Bình Thuận đã có nhiều công văn kiến nghị Thủ tướng, Bộ TN&MT, Công Thương một số vấn đề nhằm tăng cường công tác đảm bảo môi trường cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Để hạn chế tối đa các sự cố môi trường do hoạt động từ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có thể gây ra, Bình Thuận tiếp tục kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ TN&MT sớm kiểm tra tất cả dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Theo đó, cần đánh giá tác động môi trường tổng thể cho toàn bộ các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, kể cả việc giải nhiệt nước làm mát của các nhà máy khi thải vào môi trường, đưa ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cho phù hợp với thực tế tại khu vực. Đồng thời đánh giá khả năng chịu tải của hệ sinh thái, rạn san hô, rong, cỏ biển và các loài thủy sinh vật khác của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Họa đồ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Ảnh: P.NAM
Dừng việc nhận chìm vật chất nạo vét
Bình Thuận cũng kiến nghị trung ương sớm đưa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt về môi trường tại khu vực theo chỉ đạo của Thủ tướng (Công văn 10188/VPCP-KTN ngày 25-11-2016).
Cạnh đó, sớm có hệ thống quan trắc tự động không khí, chất lượng nguồn nước làm mát đổ ra vùng biển ven bờ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ sinh thái xung quanh Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Hòn Cau thoát “án” 1 triệu m3 vật chất nạo vét Ngày 23-6-2017, Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu gần khu vực bảo tồn Hòn Cau. Sau khi bị các nhà khoa học và báo chí phản ứng, ngày 16-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của ông về phương án không nhận chìm 1 triệu m3 vật chất nạo vét từ Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 theo phương án đề xuất của Bộ TN&MT, điều chỉnh các nội dung về bảo vệ môi trường theo quy định để bảo vệ môi trường cho khu vực này. |
Đối với khối lượng nạo vét vũng quay tàu vào bến của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đặc biệt là hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và khối lượng nạo vét khơi thông luồng lạch hằng năm, Bình Thuận đề nghị Bộ TN&MT tạm dừng việc xem xét, cấp phép nhận chìm ở vùng biển Bình Thuận. Các cơ quan trung ương nghiên cứu, sử dụng vật chất nạo vét vào việc san lấp mặt bằng, lấn biển, chống xói lở bờ biển và các dự án phát triển hạ tầng khác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Bình Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương giao một đơn vị làm đầu mối quản lý, điều hành chung tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để chịu trách nhiệm về những vấn đề có tính chất tổng hợp giữa các nhà máy…
Ngoài ra cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao hồ chứa nước mưa trong bãi thải xỉ, phối hợp với địa phương diễn tập để chủ động thực hiện khi có sự cố xảy ra.
Tháng 7-2017, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc EVN xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) 2,4 triệu m3vật chất sau nạo vét. Khối lượng bùn, cát này thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100.000 tấn để nhập than từ Indonesia và Úc cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Vị trí mà EVNGENCO3 xin đổ bùn, cát thải sau nạo vét nằm cách vị trí mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trước đây đã được cấp phép đổ 1 triệu m3 (nay đã dừng lại) khoảng 5 km về hướng Bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km. Theo EVNGENCO3, cuối năm 2017 dự kiến Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ phát điện nên phải có cảng để nhập than về chạy máy. EVNGENCO3 cho biết cuối năm 2014 Bộ TN&MT thống nhất đổ 2,4 triệu m3 vật liệu sau nạo vét và mới đây nhất, ngày 3-5-2017, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch hiệu chỉnh, xác định vị trí bãi nhận chìm vật liệu nạo vét luồng và vũng quay tàu 100.000 tấn để nhập than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân… |