Ngày 23-9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận từ các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo.
LS Nguyễn Minh Tâm, người bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn, cho rằng quan điểm luận tội của VKS không dựa trên cơ sở tư duy logic mà chỉ dựa trên suy đoán. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên các bị cáo, đặc biệt là Sơn.
Các LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Theo đó, năm 2011-2014, mặc dù không còn ở OceanBank nhưng Sơn vẫn bị quy kết là gây thiệt hại, điều này vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLHS.
“VKS đã không xem xét các tài liệu, chứng cứ đã được đưa ra trong lời khai, chứng cứ tại phiên tòa mà dường như đang coi trách nhiệm của mình là bảo vệ cáo trạng” - LS Tâm nói.
Bên cạnh đó, có hai ý kiến của luật sư mà VKS chưa đưa ra câu trả lời. Đó là đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung về tội tham ô của Nguyễn Xuân Sơn và nhập vụ án liên quan đến số tiền Sơn khai đưa Ninh Văn Quỳnh, Vietsovpetro, BSR… vì số tiền phát sinh này không thể tách rời những người liên quan đến hành vi của Nguyễn Xuân Sơn. Việc quy buộc Sơn vội vàng vô hình trung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Nguyễn Xuân Sơn.
“Nếu như trong ba vụ án kia phát hiện ra sự thật là Sơn không chiếm đoạt số tiền đó mà khi đó Sơn đã bị kết án tử hình thì sẽ giải quyết hậu quả như thế nào?” - LS đặt vấn đề.
Cũng theo LS, tại tòa, Hà Văn Thắm khai tin vào tư cách của Nguyễn Xuân Sơn không hề chiếm đoạt tiền của mình, đây được xem là một nguồn chứng cứ để xác định tội của Sơn, vậy quan điểm đánh giá của VKS về lời khai này là gì?
Đối với việc tặng quà, đây là một thực trạng khách quan trong thời điểm đó, lời khai của Sơn là hết sức thành thật.
Các LS bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cũng cho rằng chưa thể chứng minh Nguyễn Xuân Sơn có hành vi chiếm đoạt và tham ô tiền của PVN và OceanBank...
Theo đó, về tội tham ô, không phải cứ là người đại diện phần vốn thì có khả năng quản lý tài sản và rút tiền ở OceanBank. Nếu như vậy thì toàn bộ cổ đông của OceanBank đều có khả năng này, phải chăng ở đây ông Sơn chỉ là đại diện phần vốn sở hữu nhiều hơn.
Mặt khác, để có thể là người đại diện phần vốn góp, phải có quyết định và văn bản giới thiệu của tổ chức sở hữu, không thể dùng văn bản giới thiệu của PVN để xác định ông Sơn là đại diện vốn góp.
Bên cạnh đó sau khi được giới thiệu, tổ chức, đơn vị được góp vốn phải thông qua việc giới thiệu từ cổ đông là tổ chức về người được giới thiệu. Nhưng trên thực tế không hề có văn bản nào từ OceanBank đồng ý về chức vụ của Sơn. Điều này, Thắm đã xác nhận tại phiên tòa, Sơn chưa hề là người đại diện của PVN.
Với thời gian giữ chức vụ tổng giám đốc, theo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn không có quyền và khả năng để chiếm đoạt tài sản từ OceanBank. Khoản tiền 197 tỉ đồng trong giai đoạn sau khi về PVN, Sơn không còn chức vụ, quyền hạn gì ở OceanBank nên cũng không thể chiếm đoạt.
Như vậy, Nguyễn Xuân Sơn không thể phạm tội tham ô và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Các LS đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc để có một bản án công minh cho bị cáo.
Tương tự, các LS bào chữa cho các bị cáo khác cũng đưa ra nhiều lập luận, chứng minh thân chủ của mình không phạm tội, hoặc mức độ hành vi nhẹ hơn cáo trạng truy tố.