Sự việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cyprus như chính ông thừa nhận trên báo chí đang gây chú ý trong dư luận. Dưới lăng kính luật pháp, ông Nguyễn Công Khanh (ảnh), Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các nguyên tắc về quốc tịch cũng như cách vận dụng trong thực tiễn, dù không có quy định chi tiết.
Luật nào cũng có kẽ hở
. Phóng viên: Thưa ông, Luật Quốc tịch Việt Nam (VN) qua nhiều lần sửa đổi vẫn giữ nguyên điều khoản nguyên tắc quốc tịch là Nhà nước “công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN”, trừ trường hợp luật có quy định khác. Vậy hiểu thế nào về nguyên tắc này?
+ Ông Nguyễn Công Khanh: Đây là vấn đề lớn, cốt lõi của Luật Quốc tịch.
Từ lần xây dựng luật đầu tiên (năm 1988), đến các lần sửa đổi, bổ sung sau đó (luật hiện hành là Luật Quốc tịch VN 2008, sửa đổi năm 2014 - PV), quá trình soạn thảo đều tính đến phương án “một quốc tịch cứng” nhưng bàn đi bàn lại thì thấy khó.
Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt đã ra nước ngoài sinh sống và có quốc tịch nước ngoài. Nếu quy định cứng như vậy thì bà con mất quốc tịch gốc, rất nặng nề. Vậy nên sau nhiều lần sửa đổi thì luật giữ ổn định quốc tịch gốc cho bà con.
Ngoài ra, cũng như nhiều nước, luật quy định những trường hợp người nước ngoài được nhập quốc tịch VN mà vẫn được giữ quốc tịch gốc.
Như vậy, có thể hiểu về cơ bản vẫn áp dụng nguyên tắc “một quốc tịch” với đại đa số người dân trên lãnh thổ VN.
. Những trường hợp như ĐBQH Phạm Phú Quốc ở TP.HCM vừa bị phát hiện có cả quốc tịch Cyprus, hay bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đầu khóa này bị phát hiện có quốc tịch Malta là vì sao?
+ Đấy là vì luật VN không có quy định công dân mặc nhiên mất quốc tịch VN khi nhập quốc tịch nước ngoài như Trung Quốc và những nước theo nguyên tắc “một quốc tịch cứng”.
Những năm gần đây, một số nước nới lỏng luật quốc tịch. Chẳng hạn như Hàn Quốc, năm 2011 cho phép cô dâu Việt nhập quốc tịch nước này mà không phải thôi quốc tịch VN. Nga cũng vậy, mở ra khả năng đa quốc tịch cho một số ngoại lệ… Điều này làm phức tạp hơn tình hình song tịch ở các nước và cả ở nước ta.
Nhưng cũng phải hiểu đúng là các nước, kể cả như Cyprus hay Malta có nới điều kiện nhập quốc tịch cũng chỉ vì mục đích kinh tế.
Quốc tịch là vấn đề chính trị - pháp lý. Không nước nào muốn nhận rắc rối vào mình khi cho nhập quốc tịch những quan chức, chính trị gia ngoại quốc cả. Họ đều không muốn biến nước mình thành nơi cư trú chính trị cho các nhân vật rắc rối ngoại giao… Nhưng nước nào thì cũng có kẽ hở cả. Thế nên mới có chuyện tội phạm tham nhũng, kể cả quan chức bỏ trốn ra nước ngoài, ta thì cũng vậy thôi.
Ông Phạm Phú Quốc trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Hiểu đúng nguyên tắc “một quốc tịch”
. Vậy hiểu thế nào về những ĐBQH trong lúc đang công tác lại lấy thêm quốc tịch nước ngoài?
+ Nhận thức chính trị của họ có vấn đề. Họ không hiểu đầy đủ bản chất chính trị - pháp lý của quốc tịch. Họ chỉ thấy mặt pháp lý, cái khả năng có thêm quốc tịch thứ hai mà không mất quốc tịch VN, rồi lao vào làm cho được vì mục đích nào đó của mình.
Các luật tổ chức bộ máy, bầu cử của ta đều quy định điều kiện đầu tiên phải là công dân VN, có quốc tịch VN mới được tham gia bộ máy. Hiểu một cách thống nhất theo nguyên tắc “một quốc tịch” tức là anh đã là người của tổ chức thì không được phép có quốc tịch khác.
Các nước như Mỹ, Canada, Pháp cũng vậy, rất rõ ràng việc này. Bộ Tư pháp đã nhận khá nhiều hồ sơ của công dân VN ở các nước này xin thôi quốc tịch VN với lý do để đủ điều kiện vào làm việc trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang sở tại.
. Về trường hợp ĐBQH Phạm Phú Quốc, cho đến lúc này Ban Công tác ĐB của Ủy ban Thường vụ QH cho biết chưa thể kết luận vì còn phải đợi báo cáo của các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Theo ông thì nên xử lý thế nào?
+ Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quốc tịch VN và đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc tịch. Nếu các cơ quan của QH có công văn hỏi thì chắc chúng tôi tham mưu ngay thôi.
Hiến pháp quy định: “Công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN là người có quốc tịch VN” và Điều 4 Luật Quốc tịch VN quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. Việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để giữ quốc tịch VN. Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia (thời điểm tháng 7-2016) nói về trường hợp không công nhận tư cách đại biểu bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi phát hiện bà có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta |
Xét về mặt pháp luật, những trường hợp này cho thấy cần tiếp tục được hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định. Như vừa rồi, sửa Luật Tổ chức QH nói rõ điều kiện của ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch VN”, có hiệu lực từ tháng 7-2021. Các luật khác có lẽ cũng nên rà soát, xử lý cho chặt.
Nhưng ngay cả khi chưa sửa thì các quy định hiện hành vẫn được hiểu thống nhất theo nguyên tắc “một quốc tịch”.
Tôi tin là không có cơ quan nhà nước nào hiểu khác cả. Chỉ có một vài cá nhân, cá biệt cố tình hiểu sai, làm sai thôi.
. Xin cám ơn ông.
Không chấp nhận cán bộ, công chức có nhiều quốc tịch Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đều thống nhất quy định cán bộ, công chức, viên chức trước hết phải là công dân VN. Công dân VN và quốc tịch VN là hai khái niệm pháp lý hòa vào nhau, mà như Luật Quốc tịch VN 2008 (sửa đổi năm 2014) đã nêu rõ ở Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch. Theo đó, Nhà nước “công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. Từ trước đến nay, các cơ quan nhà nước đều hiểu thống nhất bản chất nguyên tắc “một quốc tịch” này. Cho nên không có chuyện chấp nhận cán bộ, công chức có quốc tịch thứ hai. Đây cũng là nguyên tắc chung của pháp luật nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức thì định kỳ những đối tượng này đều phải kê khai bổ sung lý lịch, nhất là khi có yếu tố nước ngoài. Như vậy, có thể nói quy định pháp luật hiện hành là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trước các hiện tượng mới phát sinh thì có thể nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan cho chi tiết hơn. Ông NGUYỄN TƯ LONG, Phó Vụ trưởng Vụ Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ |