Chiều 25-8, trả lời qua điện thoại, Trưởng ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ông Trần Văn Túy cho biết ông đã nắm việc hãng tin Al Jazeera (Qatar) thông tin một ĐBQH đoàn TP.HCM có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp).
ĐBQH tại phiên thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: quochoi.vn
Tuy nhiên, ông Tuý cho biết đây là thông tin phản ánh từ báo nước ngoài nên cần phải xác minh thận trọng. Hiện Trưởng ban Công tác đại biểu đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin nói trên.
Sau khi Vụ Công tác đại biểu báo cáo, cơ quan chức năng xác minh thông tin rõ ràng, Ban Công tác đại biểu sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thông tin chính thức về vụ việc này.
Luật Quốc tịch Việt Nam tại điều 4 quy định nguyên tắc quốc tịch: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Trong khi đó, Luật Tổ chức Quốc hội khi quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Tại kỳ họp hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22, theo đó ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn: “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Luật này sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021.