Vụ ông Trần Hùng kêu oan, một bị cáo đề nghị hủy án sơ thẩm

(PLO)- Trong vụ ông Trần Hùng kêu oan, một bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo vào phút chót, đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để làm rõ một số tình tiết. 

Chiều 22-1, phiên tòa xét đơn kháng cáo của ông Trần Hùng, cựu Cục phó Cục QLTT cùng 17 bị cáo khác trong vụ án 3 triệu cuốn sách lậu tiếp tục với phần xét hỏi.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

HĐXX hỏi bị cáo Đỗ Đức Thắng, cựu nhân viên CTCP In và văn hóa truyền thông Hà Nội về nội dung kháng cáo sau khi ông Thắng đã có thời gian suy nghĩ trong lúc nghỉ trưa. Trả lời HĐXX, ông Thắng khẳng định vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị hủy án.

HĐXX lưu ý bị cáo, như vậy HĐXX sẽ không xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trước đó, vào cuối giờ sáng, khi HĐXX thẩm vấn, ông Thắng cho biết bản thân bị rối loạn lo âu, có giấy tờ khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Hiện bị cáo đang căng thẳng.

HĐXX cũng cho biết ngay sáng nay, bị cáo Thắng đã nộp đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo.

Theo đó, ông Thắng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại mức độ hành vi của bị cáo mà bản án sơ thẩm quy kết bởi có một số tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ. Do đó, ông Thắng đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ.

Chủ tọa phiên tòa đã giải thích cho ông Thắng: “Nếu bị cáo đề nghị hủy án và được chấp nhận thì CQĐT sẽ tiến hành điều tra lại, có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị cáo và xét xử lại”.

Sau đó, chủ tọa phiên tòa hỏi lại ông Thắng có tiếp tục giữ nội dung kháng cáo xin hủy án hay không?

Lúc này, ông Thắng im lặng, không thể trả lời ngay câu hỏi của chủ tọa. Luật sư của ông Thắng đứng lên đề nghị được trợ giúp thân chủ và nói ông Thắng không kêu oan mà bản án sơ thẩm không đủ kết tội bị cáo. Luật sư cho rằng bản thân có trách nhiệm trợ giúp về pháp lý cho bị cáo.

HĐXX đã nhiều lần ngắt lời luật sư và yêu cầu luật sư tuân thủ điều hành của chủ tọa. Chủ tọa phiên tòa nói với ông Thắng: “Tòa xét xử công khai, tùy bị cáo Thắng trả lời, không phải phụ thuộc vào ai”.

Cuối cùng, ông Thắng xin được suy nghĩ rồi trả lời sau.

Chủ tọa phiên tòa đồng ý và nhấn mạnh: “Bị cáo có thể xin dừng để hỏi luật sư nhưng luật sư không được tự ý đứng lên phát biểu”.

Bị cáo Thắng bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội sản xuất hàng giả. Bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Thắng được bị cáo Nguyễn Mạnh Hà, PGĐ CTCP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội giao nhiệm vụ thiết kế mẫu in, scan các loại sách mẫu. Sau khi nhận các loại sách thật từ ông Hà, ông Thắng tiến hành thiết kế mẫu in, scan các loại sách mẫu, sau đó thuê các đối tượng làm bản kẽm để đưa vào các xưởng in sách.

CQĐT xác định Công ty cổ phần in Hà Nội và các xưởng in nơi ông Thắng làm việc không có giấy phép in ấn sách đứng tên NXB Giáo dục Việt Nam.

Các sách được in ấn tại xưởng in là các loại sách tiếng Anh, Mỹ thuật, Địa lý, Tin học lớp 3, 4, 5, Sách Tiếng Anh lớp 7 – tập 2. Toàn bộ việc sản xuất các loại sách giả nêu trên do Nguyễn Mạnh Hà chỉ đạo sản xuất.

Vụ án sách lậu gây chú ý dư luận vì ông Trần Hùng, người bị cáo buộc tội nhận hối lộ liên tục kêu oan cho rằng bản thân bị vu khống, triệt hạ.

Ông Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị tòa sơ thẩm tuyên 27 tháng về tội môi giới hối lộ, không kháng cáo, khai đã đưa cho ông Hùng 300 triệu đồng để ông Hùng bỏ qua cho bà Cao Thị Minh Thuận.

Ông Trần Hùng xác nhận có việc Hải đến phòng làm việc ngày 15-7-2020 để đặt vấn đề tiền nong nhằm xử lý nhẹ nhàng vụ việc của Thuận, nhưng khẳng định đã mắng, đuổi Hải về.

Các nhân chứng khai nhìn thấy ông Hải cầm theo túi ni lông màu đen khi đến phòng làm việc của ông Hùng nhưng không thể khẳng định trong túi có tiền.

Các luật sư bào chữa cho ông Hùng cũng đưa ra một số chứng cứ, mà "đắt" nhất là dữ liệu từ các cột sóng của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, để khẳng định các thời điểm liên quan đến lời khai của Hải gặp ông Hùng thì ông Hùng thực tế không ở cơ quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới