Như đã đưa tin, trong cuối buổi sáng 16-11, phiên sơ thẩm xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh bất ngờ xảy ra một tình huống pháp lý giữa luật sư bào chữa cho bị cáo và chủ tọa phiên tòa.
HĐXX trong vụ án cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm chiều 16-11. Ảnh: TP
Theo đó, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa, cho biết luật sư (LS) Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Lan Thanh (bị truy tố tội tổ chức đánh bạc và mua bán trái phép hóa đơn), có gửi một đơn đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đơn này được gửi tới TAND tỉnh Phú Thọ chứ không phải HĐXX vụ án này nên không xem xét.
Chủ tọa yêu cầu nếu LS nào có đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng hoặc tương tự thì phải gửi đến trực tiếp HĐXX (chứ không phải TAND tỉnh Phú Thọ - PV) để xem xét theo đúng quy định.
Ngược lại, LS Lê Văn Thiệp cho rằng bản thân đã có đề nghị trực tiếp tại ngày khai mạc phiên tòa. Đề nghị này đã được thư ký tòa cũng như đại diện VKS ghi nhận, do vậy không bắt buộc phải có văn bản. Hơn thế, chủ tọa cho rằng đơn gửi tới TAND tỉnh chứ không gửi tới HĐXX nên không xem xét là không hợp lý....
Tình huống trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người theo dõi phiên tòa. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi nếu muốn đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng thì LS có cần phải gửi văn bản hay không, nếu có thì phải gửi tới ai?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng thực tế không có quy định cụ thể về việc triệu tập như ở trên. Tuy nhiên, thông thường đối với các phiên tòa diễn ra ngắn (1-2 ngày) thì LS cần có đơn đề nghị triệu tập gửi HĐXX.
'Lưu ý ở đây là HĐXX chứ không phải là tòa án, bởi sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì mọi quyết định là thuộc thẩm quyền của HĐXX. LS phải có đơn trước để HĐXX có công tác chuẩn bị triệu tập những người liên quan" - LS Tú cho hay.
Còn với trường hợp các phiên tòa dài ngày, mà cụ thể ở đây là vụ án đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, ông Tú cho rằng các LS có thể đề nghị trực tiếp tại tòa. Khi đó, HĐXX phải có trách nhiệm xem xét. HĐXX có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với đề xuất của LS.
"Nhưng không thể nại ra lý do vì đơn gửi cho TAND tỉnh chứ không phải gửi tới HĐXX nên không xem xét, điều này là không hợp lý" - LS Tú nói.
Quan điểm thêm về vụ án này, cá nhân ông Tú cho rằng với một vụ án đánh bạc cực lớn trong thời đại công nghệ 4.0 như trên thì việc triệu tập đại diện Bộ TT&TT là điều phù hợp và cần thiết.
Trong khi đó, LS Bùi Đình Ứng, Đoàn LS TP Hà Nội, nhận định cần phải xác định thời điểm LS đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng là trước hay sau khi phiên tòa được mở.
Trong trường hợp trước khi phiên tòa được mở, nếu quá trình nghiên cứu hồ sơ mà LS thấy cần thiết phải triệu tập thêm người thì cần có văn bản gửi tới HĐXX. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử bao giờ cũng sẽ có thành phần HĐXX, trong đó bao gồm họ tên chủ tọa phiên tòa, do vậy LS có thể gửi thẳng tới chủ tọa.
"Tuy nhiên, nếu LS gửi văn bản tới TAND tỉnh mà không đề cụ thể là gửi tới ai, tôi nghĩ rằng cũng không sai. Bởi trong tình huống này, văn thư sẽ chuyển đơn đề nghị tới lãnh đạo tòa án (chánh án hoặc phó chánh án), sau đó lãnh đạo tòa sẽ kính chuyển tới HĐXX để xem xét. Cuối cùng dù đi đường nào thì đơn cũng sẽ tới tay của chủ tọa. Việc cho rằng kính gửi tới TAND tỉnh mà không gửi trực tiếp HĐXX nên không xem xét là cứng nhắc" - LS Ứng nhận định.
Trường hợp thứ hai là sau khi phiên tòa đã mở, nếu thấy cần phải triệu tập thêm người thì LS có thể kiến nghị tại tòa bằng lời, không có quy định nào bắt buộc phải có văn bản thì HĐXX mới chấp nhận. Thực tế, khi phiên tòa chính thức mở, mọi diễn biến đã được ghi nhận trong biên bản phiên tòa.
"Nếu HĐXX xét thấy đủ căn cứ thì triệu tập theo đề nghị của LS; còn nếu thấy đề nghị không liên quan hoặc sự vắng mặt của người được đề nghị triệu tập không ảnh hưởng tới việc xét xử thì thôi..." - LS Ứng nói.