Sáng 16-11, phiên sơ thẩm xét xử cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng các đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ bước sang ngày làm việc thứ năm.
TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục thẩm vấn với nhóm bị cáo thuộc các công ty trung gian giúp đường dây đánh bạc nói trên vận hành thanh toán, hợp thức tiền bất chính.
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa (bìa phải). Ảnh: TP
Đáng chú ý, cuối buổi làm việc, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, chủ tọa phiên tòa, cho biết luật sư (LS) Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Lê Thị Lan Thanh (bị truy tố tội tổ chức đánh bạc và mua bán trái phép hóa đơn), có gửi một đơn đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đơn này được gửi tới TAND tỉnh Phú Thọ chứ không phải HĐXX vụ án này nên không xem xét.
Chủ tọa yêu cầu nếu LS nào có đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng hoặc tương tự thì phải gửi đến trực tiếp HĐXX để xem xét theo đúng quy định.
Ngay sau đó, LS Lê Văn Thiệp đã "phản pháo" lại điều này. Ông Thiệp cho rằng ngay tại phần thủ tục phiên tòa ngày 12-11, ông có đề nghị triệu tập đại diện Bộ TT&TT cũng như đảm bảo sự có mặt của đại diện ba công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.
"Từ khi hành nghề đến nay tôi chưa bao giờ gặp trường hợp yêu cầu triệu tập người tham gia tố tụng lại phải bằng văn bản, tuy nhiên sau đó chúng tôi có nhận được thông tin phải chuyển bằng văn bản nên đã thực hiện" - ông Thiệp nói, đồng thời cho hay đến khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử thì mới biết thành phần mà tòa triệu tập.
Theo LS này, về mặt nguyên tắc, HĐXX là nhân danh nhà nước, các thẩm phán trong HĐXX đều được thành lập theo cơ chế của TAND. Nếu không chấp nhận yêu cầu thì HĐXX phải giải thích rõ chứ vấn đề ở đây không phải nơi gửi. "HĐXX không phải do tòa án thành lập thì do ai?".
Giải thích thêm, chủ tọa cho biết tại phần thủ tục phiên tòa ngày 12-11, HĐXX có hỏi LS hoặc cơ quan tố tụng khác có đề nghị triệu tập ai hay không, thì nhận được yêu cầu của LS Thiệp. Tuy nhiên, yêu cầu triệu tập để làm việc về nội dung gì thì chưa được nêu rõ; vì vậy HĐXX đã yêu cầu thư ký phiên tòa gặp LS đề nghị nêu rõ nội dung làm việc là gì. Điều này sẽ thuận tiện cho việc triệu tập và để những người được triệu tập chuẩn bị các nội dung, văn bản trả lời tại tòa.
Tiếp tục đối đáp lại, LS Thiệp nói rằng trong văn bản mình gửi đã có đầy đủ nội dung mà chủ tọa cần.
"Tôi không hiểu giải thích nào bằng văn bản rằng trong quá trình tòa án đang xét xử mà LS phải có văn bản đề nghị triệu tập. Quá trình làm thủ tục phiên tòa, chúng tôi đã có yêu cầu, thư ký cũng như đại diện VKS đã ghi nhận, như vậy là đủ" - vị này khẳng định.
Vị LS nói dù đơn đề nghị được gửi tới ai thì chủ tọa cũng đã biết nội dung đề nghị triệu tập để giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật.
Đến đây, chủ tọa ngắt lời và cho biết sẽ xem xét yêu cầu của LS theo quy định và thông báo sau, mời LS về chỗ.
Tòa tiếp tục làm việc vào chiều nay...
Theo cáo trạng, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là hơn 1.200 tỉ đồng. Trong đó, Viettel hưởng hơn 913 tỉ đồng, VinaPhone hơn 147 tỉ đồng, MobiFone hơn 171 tỉ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý. Do đó, VKSND tỉnh Phú Thọ đề nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước. Đối với một số cán bộ thuộc Bộ TT&TT có sai phạm cho phép sử dụng thẻ viễn thông vào dịch vụ game sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án. |