Trên các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh những dấu hiệu bất thường trong hồ sơ đảng, cũng như việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định Nguyễn Đức Hoàng.
Liên quan đến sự vụ này, chiều 15-8, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định sẽ cử đoàn cán bộ ra Hà Nội làm việc với Đảng ủy Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam để làm rõ những vi phạm trong việc kết nạp Đảng đối với ông Nguyễn Đức Hoàng (32 tuổi), Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định.
Về việc bổ nhiệm ông Hoàng, trong cuộc làm việc với chúng tôi, ông Trần Kim Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, cho biết ông Hoàng được bổ nhiệm chức phó giám đốc Sở Ngoại vụ theo đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013-2020.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề án này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ban hành theo Quyết định số 904/QĐ-TU ngày 7-5-2013 nên thường được gọi là Đề án 904. Ban đầu ông Hoàng không có tên trong danh sách cán bộ trẻ được đề án xem xét, bổ nhiệm mà sau đó mới được bổ sung. Từ bổ sung này, ngày 28-5-2014 ông Hoàng được chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm chức phó giám đốc Sở Ngoại vụ, chỉ một tháng 11 ngày sau khi được bổ nhiệm chức trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Đức Hoàng được bổ nhiệm chức phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định và Đề án 904 - thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành tỉnh Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, việc bổ nhiệm chức phó giám đốc Sở Ngoại vụ đối với ông Nguyễn Đức Hoàng có dấu hiện trái với quy định của Đề án 904.
Cụ thể là ông Hoàng không đủ các điều kiện bắt buộc của đề án này. Theo đó, trong phần tiêu chuẩn-điều kiện, Đề án 904 quy định: Cán bộ trẻ được tuyển chọn vào vị trí lãnh đạo, quản lý phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tập trung (có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực lãnh đạo, quản lý) loại khá trở lên. Trong khi đó, nguồn tin trên cho biết ông Hoàng chỉ tốt nghiệp loại trung bình-khá cử nhân kinh tế đối ngoại. Còn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của ông Hoàng học ở Singapore lại không xếp loại.
Mặt khác, Đề án 904 quy định đối tượng được vào đề án phải là công chức, viên chức nhà nước có thời gian công tác ít nhất năm năm (không kể thời gian tập sự) trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Đảng, chính quyền, đoàn thể được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ba năm liên tục trước khi được xem xét, tuyển chọn. Trong khi đó, ông Hoàng bắt đầu công tác tại VKSND tỉnh Bình Định - nơi cha ông làm viện trưởng từ ngày 1-10-2011 và không qua tập sự. Như vậy, ông Hoàng chỉ mới làm công chức trong cơ quan nhà nước được hơn ba năm rưỡi.
Ngoài ra, trong phần nguồn cán bộ tuyển chọn của Đề án 904 quy định: Là cán bộ trẻ thực sự có năng lực đã được quy hoạch chức danh cấp phó của chính các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương. Trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trường hợp ông Hoàng được bổ nhiệm thẳng lên chức phó giám đốc Sở Ngoại vụ mà không cần quy hoạch vào chức danh trước đó.
Trao đổi với PV chiều 15-8, ông Nguyễn Tân, cựu Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định (vừa nghỉ hưu từ ngày 1-8), khẳng định ban đầu khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án 904, Sở Ngoại vụ không nằm trong đề án này và ông Nguyễn Đức Hoàng cũng không có tên trong danh sách cán bộ trẻ của đề án được xem xét, bổ nhiệm. Tuy nhiên, do thiếu người nên sau đó ông Hoàng được bổ sung vào danh sách này.