Sau khi báo Pháp luật TP HCMcó bài phản ánh Rừng phòng hộ bị đốn hạ, kiểm lâm bất lực, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo các ngành liên quan làm rõ thông tin báo nêu, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, đơn vị liên quan để xảy ra phá Rừng phòng hộ Sông Lò tại địa bàn xã Lâm Phú (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Nhiều gỗ tròn, gỗ vuông được người dân khai thác nhưng không có dấu búa kiểm lâm. Ảnh: ĐT
Theo đó, ngay sau khi báo nêu, ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh cho biết, cơ quan này đã vào cuộc xác minh về việc phá rừng tại bản Nà Đang (Lâm Phú) là hoàn toàn có cơ sở tại văn bản báo cáo số 86. Việc để xảy ra phá rừng là do chủ rừng (BQL rừng phòng hộ Sông Lò-PV) chưa tích cực tuần tra, bảo vệ quyết liệt hiệu quả, đồng thời không kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý.
Tiếp ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn 2968 giao cho Sở NN-PTNN tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ liên quan để xảy ra tình trạng chặt phá rừng phòng hộ. Tại công văn số 866 của Sở Nông nghiệp gửi UBND tỉnh Thanh Hóa có kết luận, phản ánh của báo Pháp luật TP.HCM khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú có tình trạng khai thác gỗ trái phép và các hộ gia đình làm nhà không có dấu búa kiểm lâm là hoàn toàn có cơ sở.
UBND huyện Lang Chánh cũng đã có kết luận số 25, xử lý các đơn vị liên quan, trong đó yêu cầu có hình thức xử nghiêm túc đối với kiểm lâm địa bàn để xảy ra tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú kiểm điểm nghiêm túc trước tập thể UBND xã, trưởng bản Nà Đang để dân khai thác rừng trái phép, gây mất ổn định về việc chưa chỉ đạo tốt công tác bảo vệ rừng.
Trao đổi với với báo Pháp luật TP.HCM ngày 22-5, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết, đã xử lý, kỷ luật cách chức đối với ông Trương Tiến Quân Trạm trưởng, Trạm Hón Sài (BQL rừng phòng hộ Sông Lò) chuyển làm nhân viên tại một tram khác, trạm phó là ông Bùi Xuân Toàn bị kỷ luật khiển trách toàn đơn vị. Riêng đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Lò chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Sở Nông nghiệp đã để xảy ra phá rừng nơi được giao nhiệm vụ quản lý.
Như báo Pháp Luật TPHCM phản ánh, tại khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú, các khu, điểm có nhiều gỗ bị đốn hạ nhất là khu lô 10, dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy. Những loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là sến, vàng cương, mỡ... Tại khu vực Lán Cháy, nhiều cây vừa bị đốn hạ còn “tứa máu”. Lâm tặc ngang nhiên dùng cưa xăng đốn hạ các loại cây có đường kính từ 25 đến 40 cm. Sau đó chúng cắt ra thành nhiều khúc để dễ bề vận chuyển. Chính quyền chậm phản ứng, kiểm lâm bất lực trước nạn khai thác gỗ trái phép.
ĐẶNG TRUNG