Tại bệnh viện FV cấp, anh Lê Văn Nhật bị thương trầy xước ở vùng mặt, đầu và bụng. Anh Nhật sau khi được đưa đi làm các xét nghiệm đã tương đối tỉnh táo. Anh Nhật kể lúc xảy ra sự cố anh đang làm ở trên sàn cao 8 mét. "Tưởng đâu mình chết, bê tông tự nhiên sụp xuống đổ dài từ đầu này qua đầu kia. Tôi đang đứng giữa sàn, khi bê tông sụp tôi không kịp chạy nên bị rơi xuống đất. Lúc đó tôi không còn biết gì nữa. Một lúc sau có người kéo lên bình tĩnh mới nhớ".
Hiện trường vụ sập giào giáo. Ảnh: MINH QUÝ
Chị Thuý đau đớn kể do hoàn cảnh ở quê quá nghèo khó, nên vợ chồng chị bỏ hai người con nhỏ ở quê cho ông bà nội để lên TPHCM làm phụ hồ. Hai vợ chồng cố gắng làm lụng dành dụm tiền để gởi về quê nuôi cha già bị tật, mẹ hay đau ốm và hai con.
Sáng nay, chị Thuý cùng chồng cùng nhau phụ việc bên dưới sàn để cho thợ đổ bê tông, khi chị vừa ra ngoài lấy thêm đồ, còn anh vào bên trong để làm điện thì sàn bê tông bỗng đổ sập từ trên xuống. Chị quẹt nước mắt khóc nức nở, không thiết tha ăn uống và như không còn sức sống khi nghĩ đến giây phút chồng chị bị chôn vùi dưới đống bê tông, sắt thép.
Chị Thúy đau đớn trước cái chết của chồng. Ảnh: HOÀNG TUYẾT.
Đại diện bệnh viện FV cho biết: "Trong số 4 công nhân đang được cấp cứu ở bệnh viện, có một công nhân bị chấn thương nặng do các vật nhọn đâm vào phần mềm cơ thể, bệnh nhân đã được các bác sỹ mổ thành công vào 12h trưa nay. Ba bệnh nhân còn lại chỉ bị xây xát bên ngoài, tuy nhiên họ vẫn trong tình trạng hoảng loạn sau vụ tai nạn bất ngờ nên vẫn đang được nghỉ ngơi và điều trị tại Phòng chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện".
Nạn nhân Trần Thị Mười Ba đang được điều trị tại bệnh viện Quận 7.
Trong khi đó, tại khoa Ngoại - Bệnh viện Quận 7, nạn nhân Trần Thị Mười Ba (43 tuổi, Trà Vinh) cho biết: "Giờ tôi cảm thấy đau nhức khắp người. Khi giàn giáo bị sập tôi và mấy chục công nhân làm cùng bị té từ độ cao 8 mét xuống. May là chồng tôi cũng làm ở đây, nhưng về quê được một tuần nay nên không bị tai nạn.