Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc: Lỗi tại ai?

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, khoảng 14 giờ ngày 3-4, tại hướng phải tuyến Km 19 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 10 ô tô các loại. Tai nạn khiến bốn người bị thương phải đưa đi cấp cứu, 10 xe bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại về tiền khoảng 200 triệu đồng, gây ách tắc giao thông. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang xác minh để kết luận nguyên nhân dẫn đến sự việc.

Nguyên nhân nào gây tai nạn?

Ngày 4-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện đơn vị quản lý đường cao tốc - bà Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam - VECE) cho biết nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ tai nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, theo bà Phương, về phía công ty thì nhận định ban đầu là do hạn chế tầm nhìn tài xế vì ảnh hưởng của khói khi người dân đốt đồng bên phải tuyến cao tốc, cháy lan vào trong hành lang an toàn. Theo đại diện VECE, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền đến người dân trong việc đốt cỏ và hướng dẫn họ đốt có kiểm soát. Cụ thể khi người dân đốt, nhân viên công ty đến theo dõi, canh gác và phối hợp xử lý. Bên cạnh đó, trên cao tốc đã được lắp hệ thống giám sát ITS thông minh nên có thể nhanh chóng phát hiện sự việc bất thường trên đường. “Hôm qua, khi phát hiện khói, chúng tôi cử người đến ngay hiện trường để dập lửa. Khi đó khói bốc lên rất cao, tài xế không nhìn thấy nên tai nạn xảy ra” - bà Phương nói.

Cũng theo bà Phương, sau khi xảy ra tai nạn, đơn vị đã báo các sự cố trên hệ thống biển báo VMS (hệ thống biển báo thông tin khả biến) cũng như trên VOV giao thông để các tài xế kịp thời nắm được thông tin. Các lực lượng đã dập lửa bằng xe bồn và bình cứu hỏa tại chỗ, đóng đường nhánh A từ quốc lộ 51 lên cao tốc để hạn chế các xe ùn ứ. Đồng thời nhân viên tuần tra và xử lý sự cố cũng có mặt thực hiện cảnh báo tại hiện trường trong khi xử lý. Khả năng khi xe đông, khói lên cao nên tài xế bị khuất tầm nhìn dẫn đến hỗn loạn và tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn với khói mù mịt. Ảnh: VECE - PLO

Báo cáo của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai thì cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn là do các tài xế không giữ khoảng cách an toàn khi gặp khói đốt đồng bao phủ cao tốc. Theo đó, cùng ngày 4-4, ông Nguyễn Bôn, Phó ban chuyên trách kiêm Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, ký báo cáo gửi Ủy ban ATGT Quốc gia về nguyên nhân sơ bộ. Cụ thể, ô tô 51B-107.34 lưu thông theo hướng TP.HCM-Dầu Giây trên làn đường số 1 thì gặp khói mù đã giảm tốc độ. Lúc này xe container 51C-151.38 kéo theo rơmoóc đi phía sau cùng chiều đã chuyển làn đường sang làn số 2. Cùng lúc ô tô 72B-017.28 lưu thông phía sau cùng chiều chạy tới, va chạm vào đuôi xe container và các xe tiếp theo đụng liên hoàn. Nguyên nhân gây tai nạn là do các tài xế không giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông. Cũng theo báo cáo, ban sẽ tiếp tục phối hợp với ban, ngành liên quan điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn.

Hỏi về trách nhiệm của đơn vị, bà Phương nói: “Trước hết chúng tôi chia sẻ ảnh hưởng về tinh thần và thiệt hại về tài sản đối với các chủ phương tiện và cam kết thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để họ nhanh chóng sửa chữa và sử dụng bình thường. Chúng tôi cũng đã tiến hành thăm hỏi người bị thương đang điều trị tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân sự vụ”.

Làm rõ lỗi mới tính chuyện bồi thường

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và Điều 11 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, nếu tốc độ trên 60 km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 m, 80 km/giờ là 55 m, 100 km/giờ là 70 m và 120 km/giờ là 100 m. Ngoài ra, khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định trên.

Trong vụ việc này cần phải làm rõ và xác định các yếu tố lỗi để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự của các bên. Cụ thể, đối với tài xế, theo Điều 5 Luật Giao thông đường bộ họ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) nếu: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; nếu trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi.

Thực tế khói làm hạn chế tầm nhìn không phải xuất hiện một cách đột ngột, từ xa tài xế vẫn có thể quan sát thấy nên phải làm rõ việc này.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng quan trọng nhất là trách nhiệm của người lái xe, họ phải kiểm soát được rủi ro trên đường. Việc xuất hiện khói mù mịt thì ngay từ xa các tài xế đã có thể quan sát rõ chứ không phải là bất ngờ như có chướng ngại vật xuất hiện. Khi thấy tầm nhìn bị hạn chế, chính tài xế phải ý thức được mức độ nguy hiểm mà hạn chế tốc độ để đảm bảo an toàn cho chính mình và các xe khác phía sau.

Với đơn vị quản lý khai thác thì ngay từ khi đường cao tốc đi vào hoạt động phải làm việc với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân đốt đồng, tránh hậu quả khó lường. Bởi không phải người dân nào cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc đốt đồng. Ngoài ra phải có biển cảnh báo, tuyên truyền tới người dân ngay hành lang bảo vệ đường cao tốc.

 

Chỗ tai nạn không có camera theo dõi

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VECE,  toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được trang bị 16 camera dùng để theo dõi, giám sát hình ảnh. Các camera này lắp đặt tại các vị trí nút giao, trạm thu giá và cầu Long Thành chứ không được bố trí trên toàn tuyến. Tai nạn xảy ra ở Km 19 - Km 20 nhưng camera gần nhất là ở Km 22+300 (nhánh D vào Trạm thu giá quốc lộ 51). Vì thế khi khói bốc lên cao thì nhân viên giám sát mới thấy qua camera và báo cho lực lượng tuần tra. Sau khi tiếp cận, toàn bộ lực lượng trên tuyến đường đã thực hiện theo đúng quy trình xử lý sự cố khẩn trương nhất có thể. Nhưng do lượng khói dày đặc và gió to cộng cháy lan vào trong hành lang an toàn đường cao tốc nên việc xử lý rất khó khăn.

                   ____________________________

Không thể cấm người dân đốt đồng

Việc đốt đồng để lấy nguồn phân bón tự nhiên là tập quán canh tác lâu đời của nông dân, không chỉ cạnh đường cao tốc mà còn ở nhiều đường khác trên cả nước. Là đơn vị khai thác tuyến đường ngang qua phần đất ruộng của dân, chúng tôi không thể nghiêm cấm hoặc yêu cầu địa phương nghiêm cấm việc này mà chỉ có thể phối hợp tuyên truyền làm sao cho an toàn...

Nếu bà con đốt đồng ở các vị trí có nguy cơ cháy lan cao thì tăng cường gác trực và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị và lực lượng phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Đồng thời siết chặt quy chế phối hợp hiện tại với các đơn vị dọc tuyến cao tốc trong công tác ứng phó phòng cháy, chữa cháy. Việc đốt đồng được diễn ra trong thời gian nhất định trong năm nên có thể lên kế hoạch trước, kính đề nghị địa phương dọc tuyến phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để tránh sự cố đáng tiếc.

Bà NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG, Phó Giám đốc Công ty VECE

                    ___________________________

Cục Quản lý đường bộ sẽ có ý kiến

Trên các tuyến đường cao tốc đều có hệ thống camera để theo dõi, cảnh báo sớm các nguy hiểm. Ngoài ra còn có kênh tiếp nhận những thông tin của người tham gia giao thông qua số điện thoại khẩn cấp. Nếu phát hiện sự cố các đơn vị phải lập tức thông báo lên bảng điện tử, cử các đội cứu hộ cứu nạn xuống hiện trường. Vụ tai nạn này cần phải xem lại băng ghi hình mới biết cách xử trí của đơn vị quản lý đó là nhanh hay chậm, chúng tôi đang chờ các đơn vị báo cáo.

Sắp tới chúng tôi tiếp tục kiến nghị lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT có ý kiến với chính quyền địa phương vì việc đốt theo kiểu truyền thống rất nguy hiểm, không xử lý kịp được, cháy lan rất nhanh.

Ông NGUYỄN QUỐC TÙNG, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

VIẾT LONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm