Trước sự việc căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào sáng sớm 29-1, từ tháng 10-2023 (thời điểm xung đột Israel - Hamas nổ ra), lực lượng Mỹ đã chứng kiến 163 cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của mình khắp Trung Đông mà Mỹ cho rằng do các lực lượng thân Iran thực hiện.
Tuy nhiên, vụ tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan để lại hậu quả nghiêm trọng nhất: 3 lính Mỹ thiệt mạng và khoảng 40 quân nhân Mỹ bị thương. Vụ việc ở Jordan được xem là cuộc tấn công nguy hiểm nhất nhằm vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông kể từ vụ đánh bom ở sân bay Kabul khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong những ngày Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Vậy vụ tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan khác gì 163 vụ trước?
Trao đổi với CNN, một quan chức Mỹ “không nghĩ đây là hành động leo thang căng thẳng” mà “đó là kiểu tấn công tương tự mà họ đã thực hiện 163 lần trước đó và đến lần thứ 164 thì họ gặp may”.
Một trong những điểm “gặp may” ở đây là trong vụ căn cứ Mỹ ở Jordan, chiếc UAV đã tấn công “thành công” một container nhà ở tại căn cứ Tower 22 và sở dĩ “thành công” vì cuộc tấn công xảy ra vào sáng sớm, khi các quân nhân Mỹ vẫn còn nằm trên giường, chưa kịp sơ tán.
Chiếc UAV cũng bay thấp, tăng khả năng trốn tránh hệ thống phòng không của căn cứ Mỹ. Và một điểm “gặp may” nữa là chiếc UAV này tiếp cận căn cứ Mỹ cùng lúc với một chiếc UAV giám sát của Mỹ đang trở về căn cứ sau nhiệm vụ. Theo các quan chức Mỹ, có khả năng lực lượng Mỹ đã nhầm lẫn chiếc UAV tấn công là chiếc UAV giám sát của mình và không kịp kích hoạt hệ thống phòng không đánh chặn.
Liên quan đến chiếc UAV đã tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan, một quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang cẩn thận không nêu quá cụ thể về nguồn gốc của chiếc UAV này hoặc cụ thể phiến quân nào đã phóng nó nhằm bảo toàn yếu tố bất ngờ khi Mỹ phản ứng. Các quan chức Mỹ chỉ nói rằng nhóm ủy nhiệm Kataib Hezbollah của Iran dường như đã hỗ trợ cuộc tấn công.