Vụ thất thoát 800 tỉ: Ông Đinh La Thăng không nhận sai

Cựu chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng xuất hiện trước tòa với mảnh vải đen cài trước ngực để tang cho người cha vừa qua đời cách đây gần hai tháng. Ông có vẻ mập hơn, khỏe mạnh hơn so với thời điểm xuất hiện tại phiên xử trước.

Ông Thăng: Đã được Thủ tướng đồng ý

Rất bình tĩnh ông Thăng khai việc ký Thỏa thuận số 6934 (ngày 18-9-2008) với cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm liên quan đến việc PVN góp vốn vào OceanBank “không cần phải thông qua HĐQT PVN” vì đây chỉ là biên bản làm việc thống nhất với đối tác.

“Nghị quyết thực hiện mới phải báo cáo HĐQT” - ông Thăng nói và bổ sung: “Thỏa thuận này không có giá trị gì về mặt pháp lý. Nếu HĐQT không đồng ý, thỏa thuận này không có ý nghĩa gì cả”. Sau đó ông Thăng mới ký Nghị quyết số 7289 của HĐQT PVN (ngày 1-10-2008) để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

“Thỏa thuận trên có phải là tiền đề cho các lần góp vốn lần sau không?” - chủ tọa hỏi. Ông Thăng đáp: “Tiền đề của việc góp vốn trước hết phải từ chủ trương của Đảng, sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sau đó mới căn cứ vào nghị quyết của HĐQT. Văn bản này không phải là tiền đề”.

Ông Thăng sau đó thừa nhận việc PVN góp vốn vào OceanBank là đầu tư ra ngoài công ty mẹ và theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng.

“Bị cáo ký Nghị quyết số 7289 đã được sự đồng ý của Thủ tướng chưa? Có tuân thủ các quy định của pháp luật không?” - chủ tọa truy tiếp.

Ông Thăng trả lời là không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định ký nghị quyết của HĐQT PVN phải có trước hay có sau khi xin ý kiến Thủ tướng, chỉ có quy định trước khi đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải được sự đồng ý của Thủ tướng. “Thực tế tập đoàn đã thực hiện theo đúng quy định đó. Ba tháng sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng, TGĐ PVN mới quyết định chuyển tiền vào OceanBank. Các quyết định chuyển tiền đều ghi được sự đồng ý của Thủ tướng” - ông Thăng khai tiếp.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: T.PHAN

“Việc góp vốn vào OceanBank dựa trên cơ sở nào?” - chủ tọa hỏi tiếp. “Từ chủ trương xây dựng thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành. Đối với PVN thì có Nghị quyết Trung ương 3, có Kết luận 41 của Bộ Chính trị... PVN được thành lập ngân hàng với trên 50% vốn điều lệ. Nhưng để đi đầu trong việc thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, PVN xin dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt. Vì vậy PVN đã lựa chọn OceanBank để góp vốn” - ông Thăng lý giải.

“Gái đã có chồng, tiêu chuẩn gả phải khác”

Chủ tọa phiên tòa nhắc lại nhiều nội dung trong báo cáo của nguyên phó TGĐ PVN Nguyễn Ngọc Sự về tình hình hoạt động của OceanBank. Theo đó, OceanBank có quy mô hoạt động nhỏ, khả năng thanh khoản kém... “Trước khi ký nghị quyết góp vốn vào OceanBank, bị cáo suy nghĩ gì về vấn đề này?” - chủ tọa hỏi.

Ông Thăng cho rằng nội dung bản báo cáo của ông Sự như vậy nhưng “chốt” lại là OceanBank có chất lượng tín dụng trung bình khá. Việc PVN góp vốn vào các ngân hàng không phải là sự chủ động đầu tư mà do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, PVN phải gương mẫu xin dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt và để giải quyết hậu quả đó, PVN phải xin góp vốn vào các ngân hàng khác.

Ông Thăng ví von: Giống như việc PVN gả một cô gái xinh đẹp cho một chàng trai khác nhưng đây lại là cô gái có chồng rồi. “Có chồng rồi thì tiêu chuẩn để gả phải khác” - ông Thăng nói và cho rằng “nếu là Ngân hàng Ngoại thương hay Ngân hàng Đầu tư Phát triển thì người ta chả đồng ý”.

Ông Thăng cho biết OceanBank phải chấp nhận mấy chục con người, toàn là các lãnh đạo. “Anh Sơn hay các anh khác đều là tổng giám đốc các đơn vị khác, nếu không thành lập ngân hàng thì bố trí các anh ở đâu? Rồi bao nhiêu tiền đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất... Trong bối cảnh của năm 2008 như vậy chứ không phải là diễn ra bình thường” - ông Thăng nói.

“Việc PVN quyết định đầu tư là rất chính xác vì việc đầu tư đã đem lại hiệu quả. Kết quả hoạt động của OceanBank đã chứng tỏ điều đó” - cựu chủ tịch PVN khẳng định.

“Nếu biết đã chỉ đạo dừng góp vốn lần ba”

Theo cáo trạng, giữa tháng 5-2011, HĐQT PVN ký Nghị quyết số 4266 đồng ý cho PVN góp bổ sung vốn lần thứ ba là 100 tỉ đồng, nâng tổng số vốn góp của PVN tại OceanBank lên 800 tỉ đồng, duy trì tỉ lệ nắm giữ 20% vốn tại OceanBank. Trong khi Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1-1-2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Ông Thăng giải thích thời điểm đó có ủy quyền cho cựu thành viên HĐTV PVN Nguyễn Xuân Thắng điều hành khi ông đi công tác. Người ủy quyền không có trách nhiệm phải báo cáo các công việc đã thực hiện nên ông không biết về Nghị quyết số 4266.

HĐXX cho đối chất với ông Thắng. Ông Thắng nói sau khi ông Thăng đi công tác về có báo cáo việc này. Chủ tọa cho rằng chủ tịch HĐTV có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐTV nên ông Thăng buộc phải biết chuyện này.

Ông Thăng sau đó giải thích đây là thời điểm ông chuẩn bị chuyển sang nhiệm vụ mới, có rất nhiều việc cần phải làm, không đọc hết mọi tài liệu gửi về cho HĐTV. “Bị cáo không biết chứ nếu biết đã có chỉ đạo dừng việc góp vốn này và đương nhiên anh Thắng và những người khác không phải ra tòa như thế này” - ông Thăng nói.

Ngoài ra, theo ông Thăng, trước đó ông đã báo cáo Bộ Công Thương là không có khoản góp vốn để đầu tư vào OceanBank. Nghị quyết của HĐTV PVN phê duyệt các danh mục dự án, danh mục đầu tư năm 2011 không có khoản 100 tỉ đồng góp vào OceanBank. Trong cuộc họp HĐTV hồi tháng 3-2011, ông đã chỉ đạo phải chuyển vốn của PVN tại OceanBank cho đơn vị khác để bảo đảm tỉ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Thăng, việc mua cổ phần, góp vốn hay thoái vốn của PVN tại OceanBank đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Thời điểm đó, chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như của NHNN. Việc PVN vẫn giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank là theo cái đã góp từ năm 2010. “Tỉ lệ 20% này muốn rút được cũng phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Thực tế, khi PVN đã tìm được đối tác để chuyển nhượng lại phần vốn này thì Thủ tướng không đồng ý nên PVN cũng không thể thoái vốn được” - ông Thăng cho hay.

Hôm nay, phiên xử tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện VKS.

“NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng là không đúng”

Tại phiên tòa, chủ tọa đặt câu hỏi: “Kết luận của Thanh tra NHNN xác định OceanBank mất khả năng thanh khoản, trong đó bao gồm cả 800 tỉ đồng mà PVN đã góp vốn vào OceanBank. Đến nay, PVN đã thu hồi được 800 tỉ đồng góp vốn vào OceanBank chưa?”.

Ông Đinh La Thăng đáp: “Bị cáo làm chủ tịch từ tháng 2-2006 đến hết tháng 7-2011. Trong thời gian đó cũng như giai đoạn sau này (hết 2011, 2012, 2013), OceanBank đều có lãi và chia cổ tức. Việc thu hồi 800 tỉ đồng đó thuộc trách nhiệm của PVN. Đến năm 2015, NHNN đã mua OceanBank với giá 0 đồng. Việc này chắc chắn là không đúng vì Thủ tướng sau đó đã ra yêu cầu dừng việc mua ngân hàng với giá 0 đồng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm