Vụ 'thông thầu' ở Quảng Ninh: Tổng hợp hình phạt bà Nhàn AIC vẫn chỉ bị 30 năm tù

(PLO)- Đang bỏ trốn, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch AIC) tiếp tục bị VKS đề nghị mức án 10-11 năm tù.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-10, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 16 bị cáo.

VKS nhận định cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và đề nghị HĐXX tuyên phạt 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

p6_anh_bai_iac24_dd.jpg

Cùng tội danh, các bị cáo có vai trò chính, giúp sức cho bà Nhàn là Nguyễn Hồng Sơn (cựu phó tổng giám đốc AIC) bị đề nghị 7-8 năm tù, Trương Thị Xuân Loan (cựu trưởng Ban quản lý dự án 3 AIC) 5-6 năm tù, Nguyễn Thị Thu Phương (cựu trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC) 6-7 năm tù, Nguyễn Thị Tích (cựu trưởng phòng Hồ sơ pháp chế AIC kiêm tổng giám đốc Công ty Mopha) 3-4 năm tù.

Anh trai bà Nhàn là bị cáo Nguyễn Anh Dũng (cựu tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng) bị đề nghị 3-4 năm tù, Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng AIC) 30-36 tháng tù.

Các bị cáo khác bị đề nghị 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 2-3 năm tù.

Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Lương Văn Tám (cựu giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế thuộc Sở Y tế) bị đề nghị 2-3 năm tù, Lê Thị Phú (cựu phó trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh) 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm tính đúng đắn trong cơ quan quản lý nhà nước, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Nhóm bị cáo thuộc Công ty AIC xuất phát từ mục đích kinh tế đã sử dụng thủ đoạn tiếp cận các cá nhân có trách nhiệm thuộc ban quản lý dự án để thông thầu, sử dụng “quân xanh” để vi phạm quy định về đấu thầu.

Các bị cáo thuộc công ty “quân xanh”, các công ty phụ thuộc Công ty AIC, phần lớn là nhân viên làm công ăn lương, ngoài ra có sự nể nang, giúp đỡ người khác như bị cáo Nguyễn Anh Dũng, không được hưởng lợi.

Nhóm bị cáo thuộc chủ đầu tư dự án là Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh công tác trong lĩnh vực y tế, chưa có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản… thực hiện theo sự chỉ đạo nên đã để lại sai phạm, không được hưởng lợi.

Gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng

Theo cáo buộc, bà Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các cá nhân tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho “quân xanh”, “quân đỏ” đấu thầu để trúng sáu gói thầu mua sắm trang thiết bị cho BV Sản - Nhi Quảng Ninh.

Theo kết luận định giá, giá trị trang thiết bị của sáu gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (hơn 237,3 tỉ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỉ đồng; còn 15 thiết bị trị giá 9,898 tỉ đồng không định giá được do không thu thập được thông tin.

Khai tại tòa trước đó, bị cáo Dũng (anh trai bà Nhàn) cho rằng được bà Nhàn nhờ đứng tên, làm tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng - “quân xanh” trong chiêu bài mà bà Nhàn sử dụng để trúng sáu gói thầu, mọi thứ khác bị cáo này không biết gì.

Từ khi thành lập công ty, bị cáo không thấy công ty có hoạt động gì. Mọi giấy tờ, tài liệu liên quan được bị cáo Phương (trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC, đồng thời là kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng) đưa cho ký.

“Phương hướng dẫn mọi việc cho bị cáo, mọi công việc ở công ty do Phương điều hành. Bị cáo không biết nhiều về pháp luật, đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết việc mình làm rất nghiêm trọng. Bị cáo đồng ý với cáo trạng. Bị cáo đã thấy sai và rất hối hận” - bị cáo Dũng nói.

Trong số 16 bị cáo, ba bị cáo trước đó đã bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên án trong vụ sai phạm xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 16 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 14 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.

Trong vụ án ở Quảng Ninh, dù bà Nhàn bị tuyên 10 hay 11 năm tù thì khi tổng hợp hình phạt chung, mức án mà bà Nhàn phải chịu vẫn chỉ là 30 năm tù (mức cao nhất của tù có thời hạn).

Bị cáo Nguyễn Thị Tích (cựu trưởng phòng Hồ sơ pháp chế AIC kiêm tổng giám đốc Công ty Mopha) lãnh án bốn năm tù, Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán trưởng AIC) sáu năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm