Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng dù Bộ Công Thương không tham gia phiên tòa sơ thẩm, cũng từ chối tư cách tham gia tố tụng nhưng sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, bộ này không kháng cáo về tư cách tham gia phiên tòa. Hơn nữa, vào thời điểm xảy ra vụ án cũng là lúc Công ty Vifon đang có 100% vốn Nhà nước. Ngoài ra, HĐXX cho rằng Bộ Công Thương khẳng định không có thiệt hại cũng không có nghĩa là bị cáo Huyền không tham ô…
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Trước đó, hồi tháng 3, HĐXX đã từng quyết định tạm hoãn xử phúc thẩm vì vắng mặt nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vifon Nguyễn Bi (đang nằm viện) và luật sư của bị cáo này. Lúc đó, luật sư của các bị cáo khác cho rằng nếu xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Bi thì sẽ không công bằng với thân chủ của họ.
Theo hồ sơ, từ năm 2002 đến 2006, lợi dụng việc cổ phần hóa của Vifon, một nhóm cán bộ là lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ của công ty này đã thực hiện hàng loạt phiếu chi thưởng sai và chuyển tiền từ vốn Nhà nước sang vốn huy động hòng chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước lên tới 18,2 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 11-2013, TAND TP.HCM đã phạt bị cáo Nguyễn Bi bảy năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 15 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt chung là 22 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Bi phải bồi thường cho Vifon hơn 2,2 tỉ đồng.
Cạnh đó, tòa phạt nguyên phó tổng giám đốc Vifon Nguyễn Thanh Huyền 15 năm tù về tội tham ô tài sản, 15 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù. Bị cáo Huyền phải trả cho Bộ Công Thương hơn 9,8 tỉ đồng, trả cho Vifon 1,3 tỉ đồng. Ba bị cáo khác nguyên là kế toán trưởng, kế toán thanh toán, thủ quỹ của Vifon lãnh mức án từ bảy đến tám năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo, trong đó bị cáo Huyền kháng cáo kêu oan rằng không phạm tội tham ô tài sản...
HOÀNG YẾN