Video: Vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh và các tình huống pháp lý |
Như PLO đã thông tin, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đang thụ lý vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế đối với di sản của ông Võ Văn Ngoan (cố nghệ sĩ ưu tú - NSƯT Vũ Linh).
Nguyên đơn là bà Võ Thị Hồng Nhung (em gái của cố NSƯT Vũ Linh) và bị đơn là bà Võ Thị Hồng Loan (con gái của cố NSƯT Vũ Linh).
Câu chuyện này đặt ra tình huống pháp lý: Khi một người qua đời, tài sản họ để lại sẽ được chia như thế nào cho người thân?
Luật sư Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: SONG MAI |
Luật sư (LS) Nguyễn Chí Thiện (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Có hai trường hợp: Di sản được chia theo pháp luật và di sản được chia theo di chúc.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Có hai loại di chúc là di chúc miệng; và di chúc bằng văn bản.
Thứ nhất: Theo Điều 630 BLDS 2015, di chúc bằng văn bản hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ… và nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật… Di sản sẽ được chia theo di chúc đó.
Điều 629 BLDS 2015 quy định: Trường hợp tính mạng người để lại di sản bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Theo khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 thì di chúc miệng chỉ có thể có giá trị pháp lý khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 629 BLDS 2015, sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc miệng còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, không có giá trị pháp lý.
Cố nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh |
Thứ hai, thừa kế theo pháp luật là hình thức thừa kế theo hàng thừa kế, phân chia di sản thừa kế theo luật định. Vì một lý do nào đó là người để lại di sản thừa kế không lập di chúc.
Điều 651 BLDS 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết…;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.