Vụ trộn hàng chục tấn cám mỳ với bột đá: Có nguy hiểm không?

(PLO)- Nếu bột đá không đảm bảo an toàn về độ tinh khiết thì rất có thể chứa các kim loại nặng hoặc nhiều tạp chất khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, ngày 9 và 10-8, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Hải Dương phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH NVT T.T tại huyện Bình Giang.

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện các nhân công của công ty đang pha trộn hàng chục tấn cám mỳ với bột đá.

Tại hiện trường lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện một số công nhân đang phối trộn cám mỳ với nguyên liệu khác. ẢNH: QLTT
Tại hiện trường lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện một số công nhân đang phối trộn cám mỳ với nguyên liệu khác. ẢNH: QLTT

Chia sẻ với PLO về nguyên liệu bột đá này, PGS - TS Trần Hồng Côn, Nguyên giảng viên khoa Hóa học của Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết, bột đá có hai dạng bột nặng, được nghiền từ đá và bột nhẹ (CaCO3 kết tủa). Hai loại này đều có chung công thức là CaCO3 và vẫn được sử dụng làm nguyên liệu độn trong một số trường hợp khác nhau như trong y tế và thực phẩm, nếu như đảm bảo được độ tinh khiết và an toàn của nguyên liệu.

“Thông thường loại bột nhẹ khi đảm bảo độ tinh khiết thì vẫn được sử dụng để làm nguyên liệu độn trong một số thực phẩm, thuốc. Trong trường hợp bột nhẹ và kể cả bột nặng không đảm bảo an toàn thì việc sử dụng làm nguyên phụ liệu trộn là không được phép”- TS Côn cho biết.

PGS - TS Trần Hồng Côn lấy ví dụ nếu như bột đá được lấy từ đá trong tự nhiên, trên núi thì rất có thể sẽ chứa các kim loại nặng và tạp chất khác nhau, khi sử dụng làm nguyên phụ liệu để trộn vào thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn.

“Trong trường hợp của công ty trên, mặc dù chưa rõ bột đá được công ty này trộn có đảm bảo độ tinh khiết hay không, tuy nhiên việc trộn bột đá vào cám mỳ là không đúng, nhất là khi bao bì thể hiện thành phần nguyên liệu 100% cám mì”- PGS- TS Hồng Côn chia sẻ

TS Nguyễn Văn Chung, Nguyên trưởng khoa dinh dưỡng và ẩm thực, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bày tỏ, bột đá có nhiều loại khác nhau trong đó bột đá vôi CaCO3 là đá vôi bình thường, tuy không độc nhưng làm nặng ký, nhằm mục đích gian dối về chất lượng và khối lượng.

“Tuy nhiên nếu loại bột đá được trộn vào cám mì là loại bột đá tạp thì có thể bị lẫn nhiều chất vô cơ độc hại nữa. Do đó cần xác định loại bột đá gì, thành phần ra sao”- TS Chung chia sẻ.

Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện một số công nhân của công ty TNHH NVT T.T đang tháo chỉ các bao cám mỳ Wheat Porllard sản xuất bởi Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ Vimaflour và đưa vào máy trộn lẫn với nguyên liệu khác. Sau khi hoàn thành thao tác trộn, công nhân sẽ đóng sản phẩm vào vỏ bao mới với thành phần trùng khớp với vỏ ban đầu, 100% cám mì, sản xuất tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Sản xuất bột mì VIMAFLOUR. Trên vỏ bao mới không ghi thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Bước đầu đấu tranh, đại diện theo pháp luật công ty TNHH NVT T.T khai nhận nguyên liệu được phối trộn thêm là bột đá và thừa nhận bao bì mới là do công ty tự in không được sự đồng ý cho phép của VIMAFLOUR.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm