Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 2-8, đại hội cổ đông bất thường do nhóm cổ đông cho rằng đang chiếm giữ 30,76% cổ phần ĐH Hoa Sen đã được triệu tập. Đại hội do ông Nguyễn Trung Đức (thành viên HĐQT) làm chủ tọa đã bãi nhiệm chủ tịch HĐQT, bầu mới sáu thành viên HĐQT và các thành viên ban kiểm soát (BKS) mới. Sau đó trong buổi gặp mặt báo chí chiều 4-8, bà Bùi Trân Phương (Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen) cho hay vào ngày 3-8, HĐQT và BKS ĐH Hoa Sen hiện hành đã họp và đề nghị UBND TP.HCM không công nhận HĐQT và BKS được bầu từ đại hội cổ đông bất thường nêu trên. Vậy HĐQT và BKS mới bầu có hợp pháp?
Ông Trần Văn Bảy (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết: Theo khoản 5 Điều 1 Quyết định 63 ngày 10-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ (về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61 ngày 17-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ) thì HĐQT được triệu tập cuộc họp bất thường đại hội đồng cổ đông theo quyết định của chủ tịch HĐQT hoặc có 2/3 thành viên HĐQT đề xuất tổ chức cuộc họp vì lợi ích của nhà trường. Hoặc có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 30% số cổ phần kiến nghị họp bằng văn bản khi phát hiện HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền... Cuộc họp đại hội đồng cổ đông được coi là hợp lệ khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần trở lên.
Bà Bùi Trân Phương (Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen). Ảnh: HUYỀN VI
. Phóng viên: Hiện tại, ông Nguyễn Trung Đức - Trưởng ban đại hội bất thường cho rằng cuộc họp có 100 cổ đông tham gia tương đương với 70,5% cổ phần có quyền biểu quyết nên tính chất của đại hội là hợp pháp. Trong khi đó, ông Trần Văn Tạo (Chủ tịch HĐQT hiện hành) lại khẳng định nhóm 30% cổ đông nắm giữ 70,5% cổ phần nhưng nhiều cổ phần đang có tranh chấp nên phải xem xét tính pháp lý. Ai đúng, ai sai, thưa ông?
+ Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể nhờ đến một cơ quan kiểm toán độc lập xác định tỉ lệ cổ phần vốn góp tại thời điểm tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Những tranh chấp liên quan đến việc xác định số vốn góp sẽ do tòa án giải quyết theo yêu cầu của các bên.
. UBND TP.HCM có quyền ban hành quyết định công nhận HĐQT và BKS nào là hợp pháp hay không?
+ Nghị định số 115 ngày 24-12-2010 của Chính phủ có sự phân cấp cho UBND cấp tỉnh được thực hiện một số công việc quản lý. Việc quản lý các trường ĐH tư thục thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cụ thể, theo điểm c khoản 5 Điều 6 nghị định này, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và quyết định công nhận hay không công nhận HĐQT, chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng trường ĐH tư thục trên địa bàn (theo tiêu chuẩn được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục do Thủ tướng ban hành) thuộc UBND cấp tỉnh.
Tiếp nữa, theo khoản 6 Điều 17 Luật Giáo dục ĐH năm 2012 thì thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc công nhận, không công nhận HĐQT, chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT được quy định trong điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 1 Quyết định 63/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì HĐQT do đại hội đồng cổ đông bầu, HĐQT do UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở công nhận…
Do vậy, HĐQT mới được bầu ra không đương nhiên là hợp pháp nếu chưa được UBND TP ra quyết định công nhận. Cần nói thêm rằng cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào việc nội bộ của trường ĐH tư thục mà chỉ xem xét hồ sơ do HĐQT trình để ra quyết định công nhận hoặc không công nhận HĐQT theo quy định của pháp luật. Đồng thời, với trách nhiệm quản lý nhà nước theo sự phân cấp, các cơ quan quản lý của TP sẽ nắm bắt diễn biến vụ việc để đảm bảo môi trường giáo dục ĐH được lành mạnh và quan trọng là đảm bảo quyền lợi của sinh viên.
PHƯƠNG LOAN