Một vài điều cần nói ngay
Tư cách “công ty” (corporation) được luật pháp công nhận có quyền giao dịch và tham gia vào các lĩnh vực trong xã hội, như một “người” (tư cách pháp nhân) và các cá nhân đứng sau đó không bị liên lụy trực tiếp về tài chính.
Nói cách khác, “công ty” là một tấm bình phong để cá nhân đứng sau đó không mang trách nhiệm trực tiếp với các sinh hoạt của công ty.
Do đó, mọi cá nhân hay tổ chức muốn có tư cách pháp nhân để hoạt động trong xã hội phải đăng ký như một công ty, để tránh trách nhiệm cá nhân. Công ty có thể là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”.
Công ty “phi lợi nhuận” có mọi quyền và trách nhiệm về kinh tế như những công ty “vì lợi nhuận”: lập khế ước, giao kèo, buôn bán sản phẩm hay dịch vụ, thuê hay sa thải lao động, tuân thủ luật lao động, đóng bảo hiểm cho công ty và cho nhân viên, trả vào quỹ an sinh xã hội, v.v… cũng như có quyền sinh lãi (tiền lời) qua các hoạt động kinh doanh của mình.
Nhưng công ty “phi lợi nhuận” không có cổ đông như một công ty thường. Tài sản của công ty PLN (phi lợi nhuận) thuộc về chính công ty đó (có thể là một nhà chùa, tu viện, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, hay một dịch vụ nào đó …) chứ không thuộc về cá nhân hay nhóm nào. Điều hành một công ty PLN như vậy là một Hội đồng quản trị (HĐQT) do thành viên chỉ định hay bầu lên (self-perpetuating board) từng nhiệm kỳ, với trách nhiệm chính là trung thành và quản lý công ty cho hiệu quả.
Vì thế, khi công ty PLN lỗ, HĐQT có trách nhiệm phải tìm thêm tài nguyên hay bớt sinh hoạt cho cân bằng ngân sách. Ngược lại, khi công ty PLN có lời, số tiền lời này chỉ được dùng để phát huy công ty này mà thôi; không một cá nhân hay nhóm nào khác được sử dụng số lời này.
Các ĐH PLN ở Mỹ cũng là những công ty PLN, và hoạt động theo mô hình này. Khi họ được chính phủ thừa nhận là PLN, không những chính nhà trường được miễn thuế trong các dịch vụ liên quan đến giáo dục mà các nhà hảo tâm hiến tặng cho nhà trường này cũng được miễn thuế trên khoản hiến tặng.
Thường thường, các trường PLN sử dụng những khoản tiền hay hiện vật hiến tặng một cách rất bảo thủ, cẩn thận: họ đầu tư số tiền này và hàng năm chỉ dùng tiền lời của những đầu tư này vào việc giáo dục. Như vậy, số tiền hiến tặng sẽ còn mãi mãi để giúp các thế hệ đi sau. Từ chính xác của tiếng Anh là “Endowment”, không những là “hiến tặng” mà còn để dành vốn, chỉ dùng tiền lời, vào việc giáo dục hay từ thiện.
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, các ĐH lớn của Mỹ đã tích lũy những quỹ endowment ngoạn mục: Quỹ của ĐH Harvard, chẳng hạn, đã lên đến hơn 35 tỷ USD cách đây vài năm. Và khi nào mà các cựu sinh viên hay đại gia còn muốn hiến tặng cho Harvard thì quỹ này sẽ còn tăng thêm nữa.
Tóm lại, đó là phương thức nước Mỹ đã tạo nên và phát huy một nền giáo dục cả công lẫn tư vững vàng, hiệu quả --tuy không phải là hoàn hảo—như chúng ta chứng kiến. Phải có chiến lược lâu dài, phải có thời gian, phải có chính sách khôn ngoan, và phải có những đại gia, những cựu sinh viên, với tinh thần cộng đồng cao.
Đại học tư ở Việt Nam
Trong giai đoạn còn tương đối “hỗn mang” khoảng 25 năm trở lại đây, các trường ĐH tư ở Việt Nam còn đang tìm chỗ đứng và xác định cá tính căn bản của mình trong một nước độc lập, thống nhất cũng như trong một thế giới chưa bao giờ ít biên giới hay rào cản như ngày nay.
Một vài nhận xét cơ bản: thứ nhất, ĐH công và tư mọc lên như nấm sau năm 2000; hầu như tỉnh nào, bộ nào, công ty nào có máu mặt… đều muốn mở ĐH và đưa người của mình vào các ghế lãnh đạo ĐH. (4)
Một số còn đặt mình vào ghế hiệu trưởng hay chủ tịch, với một mảnh bằng tiến sĩ từ đâu đó, và nghiễm nhiên bước vào giới trí thức cao.
Thứ hai, đầu tư vào ĐH có thể sinh lãi rất to và rất nhanh. Điều này vừa có lợi và vừa là nguy cơ cho nhà trường. Có những trường dùng lợi nhuận để tăng trưởng nhưng vẫn giữ được nhóm lãnh đạo đồng nhất và tiến trình tương đối bền vững; nhưng cũng đã có những trường mà giới lãnh đạo thời kỳ đầu đã xâu xé nhau để tranh quyền hay tranh lợi. Trường hợp đầu phải kể đến những ĐH như Hoa Sen, Thăng Long, Duy Tân, FPT, hay Văn Lang … và trường ĐH Hùng Vương có lẽ là điển hình cho trường hợp sau.
Thứ ba, ở Việt Nam cho đến nay, chưa có một đại học thực sự phi lợi nhuận (PLN) hiểu theo mô hình của Mỹ. Có thể có một vài ĐH tư tự xưng là PLN, nhưng cốt lõi cũng chỉ là “PLN theo định hướng XHCN” chứ không thật sự PLN, như đã trình bầy ở phần trên.
ĐH Hoa Sen ở TP HCM, nơi tôi có dịp cộng tác trong hai năm 2012 và 2013 ở cấp trưởng khoa và nhờ đó hiểu được phần nào tổ chức của trường, có thể là một ví dụ cụ thể về tính cách PLN này.
Năm 2007, trường cao đẳng Hoa Sen được phép của Bộ GD-ĐT trở thành trường đại học. Hội đồng quản trị từ đó đến nay do ông Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM và nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy, làm chủ tịch và TS sử học Bùi Trân Phượng là phó chủ tịch kiêm hiệu trưởng. Hai phó hiệu trưởng mấy năm sau này là Th.S. Phạm Thị Thủy phụ trách tài chánh và Th.S. Đỗ Sỹ Cường phụ trách học thuật, kiêm bí thư chi bộ Đảng. Cả ba thành viên ban giám hiệu (HT và hai PHT) đều là Đảng viên.
Về mặt tài chính, Trường ĐH Hoa Sen đã rất thành công, theo như con số của nhà trường báo cáo cho Hội đồng cổ đông hàng năm: thu nhập năm đầu tiên thành ĐH (2007) là 85 tỷ VNĐ đã tăng tới 267 tỷ trong năm 2013 vừa qua. Tăng khoảng gấp ba lần trong 7 năm.
Tương tự, lợi nhuận (chênh lệch chi thu) sau thuế cũng tăng từ 11.8 tỷ VNĐ năm 2007 đã lên đến năm 65.4 tỷ năm 2013; nghĩa là lợi nhuận tăng lên gấp 6 lần trong 7 năm. Trừ những hành vi phạm pháp, ít có đầu tư nào có thể tăng trưởng nhanh và đều như thế.
Nhưng có lãi không phải là điều xấu. Trái lại là khác; nó chứng minh được khả năng quản lý của giới lãnh đạo nhà trường. Nó chỉ xấu nếu ĐHHS không đào tạo sinh viên của mình như đã hứa hẹn; và nếu nhìn vào con số của Hoa Sen công bố, về tỷ số sinh viên có việc làm khi ra trường, thì HS có kết quả khá tốt. Tốt hơn nhiều trường, công cũng như tư, ở Việt Nam hiện nay.
Vậy ĐHHS có phải là một trường PLN như nhà trường tự xưng không?
Hôm 17/3/2014, Đảng ủy ra nghị quyết số 07/NQ-DU và ngay hôm sau, Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng ra công văn cho nhân viên từ cấp trưởng bộ phận trở lên khẳng định rằng: “Tôi sẽ triển khai đến toàn thể cấp trưởng bộ phận để phối hợp, lãnh đạo toàn thể giảng viên, nhân viên nhà trường kiên quyết thực hiện chủ trương giữ vững đường lối phi lợi nhuận của nhà trường, … đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của giảng viên, nhân viên và các cổ đông của nhà trường.”
Theo như Ban giám hiệu và HĐQT của Hoa Sen báo cáo cho Đại hội Cổ đông hàng năm, cổ đông của Hoa Sen đã nhận được ít nhất 12% (năm 2012) và cao nhất là 22% (năm 2013) tiền lời mỗi năm, kể từ 2007.(6)
Đặc biệt hai năm 2012 và 2013, HĐQT quyết định tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ lên 72 tỷ (2012) và một năm sau lại lên 110 tỷ (2013). Không có con số chính xác về trị giá của trường ĐHHS, nhưng một số chuyên gia ước lượng trị giá này đã tăng từ khoảng 15 tỷ (2007) lên tới mấy trăm tỷ hiện nay.
Thêm vào đó, công ty Hoa Sen đã hai lần phát hành “cổ phiếu thưởng” cho cổ đông hiện hữu: năm 2012 với tỷ lệ 140/100 và năm 2013 với tỷ lệ 153/100; nghĩa là số cổ phiếu của mỗi cổ đông đã tăng lên hơn gấp đôi nếu họ là cổ đông từ trước năm 2011. Có thể nói, cổ đông của ĐHHS đã làm giàu khá nhanh và khá bền vững qua phương thức đầu tư này.
Đối với giảng viên và nhân viên, Đại hội đồng Cổ đông của trường Hoa Sen hàng năm vẫn chấp thuận tặng tiền thưởng cuối năm cho mọi người cũng như những món quà khoảng 500,000 vào những dịp lễ như Ngày Nhà Giáo 20/11, Quốc khánh 2/9, Lễ Lao Động 1/5, Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8/3, v.v… Năm 2013, số tiền thưởng cuối năm tương đương với hai tháng lương.
Việc Trường ĐH Hoa Sen vẫn là một trường “vì lợi nhuận” như mọi trường tư khác ở Việt Nam hiện nay không phải là một đại họa. Làm kinh tế lương thiện không có gì đáng chê trách; làm kinh tế bằng dịch vụ giáo dục cũng không có gì phải xấu hổ; và nhà trường đạt được nhiều lãi cho cổ đông cũng không vi phạm luật pháp nào.
Vấn đề đặt ra ở đây là ĐH Hoa Sen có nên là PLN hay không? Áp dụng phương châm “sống tử tế” của nhà trường thì tôi nghĩ là không nên, vì dễ gây ngộ nhận cho sinh viên, phụ huynh, và cho chính các nhân viên, giảng viên của trường. Tôi không lo cho cổ đông của trường; họ biết họ là chủ nhà trường và họ vẫn nhận cổ tức rất đều đặn hàng năm.
Nhưng cũng nhân dịp này, tôi hy vọng ĐH Hoa Sen sẽ chỉnh đốn lại nội bộ, từ việc điều hành, kế toán và quản lý đến các vấn đề học thuật, giáo dục khai phóng và phục vụ sinh viên, cho đến việc đãi ngộ tử tế và tương xứng với nhân viên, giảng viên là những rường cột của bất cứ ĐH nào … để trường này, đang trên đà tiến triển tốt, sẽ còn tiến xa hơn nữa và tối thiểu cũng cạnh tranh ngang hàng với các trường quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.
Một ngày đẹp trời nào đó, biết đâu Việt Nam sẽ may mắn có một đại gia với tấm lòng cũng rộng như gia tài của họ, sẽ mở và nuôi một trường ĐH thật sự phi lợi nhuận, để rồi chừng một thế kỷ nữa, con cháu chúng ta mới nên nói đến chuyện “trường đẳng cấp quốc tế” hay dám so sánh với Stanford, Harvard.
GS Vũ Đức Vượng nguyên là giám đốc Chương trình giáo dục tổng quát tại Trường ĐH Hoa Sen. Hiện là chủ biên tờ Trồng Người - một "chợ" đầu mối về các vấn đề giáo dục ở Việt Nam. |
- Theo Vũ Đức Vượng (VNN)