Dự kiến diễn ra lúc 8h nhưng nhiều cổ đông có ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận gay gắt ngay tại đại hội nên đến gần 10h cuộc họp mới được bắt đầu.
Ông Nguyễn Trung Đức - Trưởng Ban đại hội cho biết, có 100 cổ đông tham gia tương đương với 70,5% cổ đông có quyền biểu quyết nên tính chất của đại hội là hợp pháp. Ông Nguyễn Trung Đức cũng báo cáo lại những sai phạm của bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Theo ông, bà Phượng đồng thời vừa làm hiệu trưởng vừa là giám đốc công ty Vĩnh An nên đã ký kết nhiều hợp đồng dẫn tới những sai phạm.
Ban điều hành đại hội cổ đông bắt đầu buổi làm việc để quyết định vận mệnh ĐH Hoa Sen. Ảnh:Nguyễn Loan |
Tháng 11/2011 bà Phượng đã thành lập Công ty TNHH nhà hàng khách sạn và du lịch Vĩnh An. Sau đó bà Phượng cùng công ty mở lớp đào tạo và thuê giảng viên không đáp ứng yêu cầu, thu học phí quá mức cho phép với chương trình Vatel khi chưa được Bộ Giáo dục cấp phép.
Ngoài ra ông Trung còn liệt kê hàng loạt sai phạm khác của bà Bùi Trân Phượng liên quan đến tài chính, kế toán, dấu doanh thu, để phát sinh hơn 22 tỷ đồng khi xây dựng thêm cơ sở... "Vừa đá bóng vừa thổi còi", ông này kết luận và cho rằng những sai phạm này gây bất ổn nhân sự và bất đồng trong nội bộ nhà trường.
Ông Tô Ngọc Ngời đại diện ban điều hành cũng báo cáo về những sai phạm của HĐQT ĐH Hoa Sen khi thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quản lý ban giám hiệu, công tác báo cáo tài chính và dấu 119 tỷ đồng tiền doanh thu, từ chối tiến hành đại hội cổ đông theo quy định...
Cổ đông Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đại hội này chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính và chia cổ tức cho cổ đông. Thực tế ĐH Hoa Sen đang ngày càng thành công nên việc thu chi cũng trở nên phức tạp hơn. Ông cho rằng trước khi quyết định bầu cử hay bãi nhiệm ai cần xem xét sai sót đó có thể khắc phục được hay không, sai do lỗi hệ thống hay là trục lợi cá nhân. Nếu chứng minh được là trục lợi cá nhân thì bãi miễn hiệu trưởng là đương nhiên còn nếu chưa chứng minh được thì cần cân nhắc có đến mức bãi miễn không.
Theo cổ đông này, mọi người đều đề cập đến thiếu sót của HĐQT nhưng nhiều người tham dự đại hội là thành viên hội đồng quản trị như ông Nguyễn Trung Đức - chủ tọa và bà Phạm Thị Thủy là phó hiệu trưởng. Đây là trách nhiệm chung của mọi người khi để xảy ra những sai phạm, thất thoát.
"Tôi sợ sẽ trở thành trường Hùng Vương thứ hai và cho rằng lỏng lẻo trong quản lý tài chính là do lỗi của những người làm quản lý. Chúng ta nên nghĩ đến tương lai ĐH Hoa Sen, hãy cũng ngồi lại vì lợi ích chung của trường", ông Hưng phát biểu.
Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã diễn ra trong buổi đại hội cổ đông. Ảnh:Nguyễn Loan |
Còn bà Nguyễn Thị Hòa - đại diện công ty IC (một trong những công ty góp vốn vào ĐH Hoa Sen) cho rằng trước những thông tin có những hoạt động bất thường ở ĐH Hoa Sen bà và nhiều cổ đông khác đã đề nghị HĐQT tổ chức Đại hội cổ đông để nghe ý kiến của mọi người tuy nhiên yêu cầu này không được đáp ứng. Nên 30% cổ đông đã đề nghị ông Nguyễn Trung Đức đứng ra tổ chức ĐH cổ đông theo luật định.
Ông Trần Quốc Bình lại cho rằng báo cáo của đại hội có phần không chính xác khi cho rằng bà Phượng "cứ 19 tháng thay trưởng khoa một lần". Ông này cho biết mình làm trưởng khoa liên tục nhiều năm nay và không hề bị thay đổi như cáo buộc. Ông cũng đề nghị cần phải xác minh bà Phượng có trục lợi cá nhân hay không.
Cổ đông Lê Ngọc Luân thì nhiều lần khẳng định, đại hội không đúng luật và yêu cầu được công bố thư ngỏ của bà Bùi Trân Phượng giải thích những cáo buộc về mình. Tuy nhiên, cổ đông này liên tục bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng đại hội được tổ chức đúng quy định khi đủ tỷ lệ cần thiết.
Sau nhiều tranh cãi, đại hội tiếp tục xin biểu quyết về việc bãi nhiệm các thành viên của HĐQT trường ĐH Hoa Sen. 7 thành viên hiện tại của HĐQT đều được đưa ra biểu quyết. Trong đó trên 98,5% đại biểu đồng ý biểu quyết miễn nhiệm đối với ông Trần Văn Tạo và bà Bùi Trân Phượng; các thành viên khác cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Riêng ông Nguyễn Trung Đức - thành viên của HĐQT - người đứng ra tổ chức đại hội này được 85,72% cổ đông biểu quyết giữ nguyên. Bà Phạm Thị Thủy - Phó hiệu trưởng trường cũng là thành viên HĐQT nhận được 70% phiếu tán thành giữ lại nhưng đã xin rút.
Sau đó, đại hội tiếp tục xin biểu quyết để bầu mới 6 thành viên khác vào HĐQT của trường.
Các cổ đông bỏ phiếu quyết định bãi nhiệm các thành viên HĐQT trường ĐH Hoa Sen. Ảnh:Nguyễn Loan |
Trước đó, lục đục nội bộ ĐH Hoa Sen xảy ra khi 1/2014 trường đã tiến hành đại hội cổ đông. Tại đây, HĐQT đề nghị điều chỉnh điều lệ hoạt động của trường từ “hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” thành “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013”.
Việc điều chỉnh này đã phân tán ĐH Hoa Sen thành hai. Trong khi các cổ đông lớn không đồng ý với điều chỉnh này và yêu cầu giữ nguyên như cũ hoặc điều chỉnh thành “hoạt động vì sự phát triển bền vững” thì những người khác lại muốn hoạt động theo cơ chế mới. Nếu hoạt động của trường giữ như cũ thì cổ tức chia hằng năm dựa vào biểu quyết của cổ đông trong đại hội. Nếu thực hiện theo mô hình “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013” thì tỉ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.
Cũng trong đại hội này, vấn đề chia cổ tức được tranh luận nảy lửa. Có cổ đông đã đề xuất chia cổ tức đến 30%. Sau phần thảo luận căng thẳng, cuối cùng mức cổ tức năm 2013 được biểu quyết là 20% - mức cao nhất của trường từ trước đến nay.
Theo Nguyễn Loan (Vnexpress)