Đó là ý kiến được GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đưa ra khi trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về những chuyện lùm xùm đang xảy ra ở Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM).
Theo GS Thuyết, cùng với sự phát triển thì thời gian qua những tranh chấp về quyền, về lợi ở ĐH trên cũng bắt đầu nảy sinh… “Đây chính là vấn đề của ĐH Việt Nam. Bởi ở Việt Nam gần như 100% các trường ngoài công lập hoạt động là vì lợi nhuận. Nếu trường nào chỉ có một ông chủ thì trường đó yên, còn trường nào có nhiều cổ đông thì ít nhiều sẽ có chuyện tranh chấp” - GS Thuyết nói.
Giáo dục thành cái chợ trời
. Phóng viên: Theo nguyên tắc, các trường đều hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng thực tế tranh chấp, tranh cãi xảy ra lại bắt nguồn từ câu chuyện lợi nhuận. Vậy có thể giải thích như thế nào về tình trạng trên, thưa ông?
Thứ hai, luật đã quy định hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng lại còn hưởng lợi tức nữa là rất dở. Bởi người Việt Nam có nhiều cách lách luật để được chia thêm lợi nhuận… Quy định như thế nên người ta thường tìm cách núp dưới cái bóng phi lợi nhuận để hoạt động vì lợi ích lợi nhuận. Điều này cũng trả lời cho câu hỏi tại sao các trường cứ tuyển sinh một cách tràn lan, không coi trọng chất lượng, vì tuyển nhiều thì càng có nhiều học phí, càng được chia nhiều.
. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu không vì mục đích lợi nhuận thì sẽ không có nhà đầu tư vào giáo dục?
+ Vậy thì thà không có còn hơn. Chứ đầu tư méo mó như thế này thì thà không có! Còn nếu đã có thì phải đầu tư cho tử tế. Chứ đầu tư lắt nhắt như thế này thì sau này sẽ để lại nhiều hệ quả, làm méo mó hết hệ thống giáo dục. Giáo dục thành cái chợ trời, suốt ngày đánh nhau chia tiền.
Ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen: “Nguồn tài sản chung của trường thì không thể đem chia”. Trong ảnh: Cơ sở ĐH Hoa Sen tại Công viên Phần mềm Quang Trung (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) có diện tích khuôn viên 9.600 m2. Ảnh: Trang web ĐH Hoa Sen
Nên thừa nhận hoạt động vì lợi nhuận
. Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn được tình trạng núp bóng dưới hình thức phi lợi nhuận nhưng thực tế lại vì lợi nhuân, thưa ông?
+ Tôi cho rằng chúng ta nên thừa nhận hoạt động vì lợi nhuận và coi đó là một chuyện bình thường. Nhưng đi kèm với sự thừa nhận đó mình phải sửa đổi các quy định của pháp luật sao cho vừa khuyến khích thành lập các trường vì mục đích không lợi nhuận; mặt khác cũng tạo điều kiện pháp lý cho các trường vì lợi ích lợi nhuận hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch. Chính sách pháp luật giữa trường phi lợi nhuận và trường vì mục đích lợi nhuận cũng phải khác nhau. Ngoài ra, các trường phải xem lại điều lệ, nguyên tắc hoạt động thế nào để chống lại việc “cướp” trường, chống lại hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Còn trường nào đã rõ vì lợi nhuận thì nên thừa nhận vì mục đích lợi nhuận, ông nào có nhiều tiền thì ông có nhiều quyền.
. Như vậy có nghĩa là phải sửa luật để thừa nhận và tách bạch giữa trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận với trường không vì mục đích lợi nhuận?
+ Đúng là như thế. Chúng ta phải sửa lại các quy định của pháp luật và phải thừa nhận các trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và trường không vì mục đích lợi nhuận. Như thế các trường mới hoạt động đúng và có cách tiếp cận phù hợp chứ không phải núp bóng nữa. Cụ thể, đối với các trường phi lợi nhuận thì nguyên tắc hoạt động của các trường sẽ không phụ thuộc vào số tiền đóng góp. Quyền của trường không phụ thuộc vào các cổ đông. Khi đó, các cổ đông đóng góp tiền là để phát triển giáo dục chứ không phải để lấy lãi, lấy quyền; không được dùng tiền, dùng cổ phần để chi phối quyền của nhà trường. Đấy mới là các trường hoạt động không vì lợi ích lợi nhuận mà vì giáo dục, vì xã hội. Các trường đó cũng hoàn toàn có quyền tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước như là các trường công…
Còn với các trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì mình để cho họ hoạt động như doanh nghiệp. Quyền lựa chọn theo học tại trường vì mục đích lợi nhuận hay không vì lợi nhuận lúc đó sẽ thuộc về xã hội.
. Xin cảm ơn ông.
THÀNH VĂN
Muốn ổn định thì phải giải quyết vấn đề cổ đông Giải thích đâu là căn nguyên sâu xa khiến ĐH Hoa Sen rơi vào tình trạng lùm xùm thời gian qua, ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen, nói mâu thuẫn chính là vấn đề chưa rạch ròi giữa quy định phi lợi nhuận và lợi nhuận. Với cơ chế phi lợi nhuận thì đại hội đồng cổ đông của trường có quyền quyết định chia tỉ lệ cổ tức nhưng theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành với cơ chế phi lợi nhuận thì đại hội đồng cổ đông không có quyền chia cổ tức, mà cổ tức chỉ trả bằng với mức trái phiếu chính phủ. Chính điều này làm nhóm cổ đông 30% (nắm 30% cổ phần ĐH Hoa Sen - PV) không chịu vì họ muốn cao hơn. Theo ông Tạo, muốn kiểm soát được tình hình, đưa ĐH Hoa Sen vào ổn định thì phải giải quyết vấn đề cổ đông. Theo đó, có các phương án đưa ra như nhóm cổ đông 30% thoái vốn thì ĐH Hoa Sen mua lại. Ngược lại, nếu nhóm cổ đông 30% không bán mà Nhà nước ủng hộ ĐH Hoa Sen thực hiện cơ chế phi lợi nhuận thực sự thì họ đành chấp nhận chia cổ tức theo mức trái phiếu chính phủ. Vấn đề là lấy tiền ở đâu để mua nếu nhóm 30% thoái vốn? Ông Tạo cho biết nguồn tài sản chung của trường thì không thể chia vì theo Nghị định 141/2013 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH), tài sản này chỉ cho phép đầu tư vào giáo dục, bồi dưỡng giảng viên... Nghị định này cũng không cho phép mua, chuyển nhượng cổ phần. Đây là điều khó để thực hiện. “ĐH Hoa Sen sẽ có kiến nghị cơ quan chức năng cho phép thực hiện việc này” - ông Tạo nói. Cũng theo ông Tạo, quỹ tài sản chung không chia này hiện ai là người quản lý luật vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Nếu có người quản lý quỹ này thì nhà trường có thể mua lại để đầu tư vào giáo dục. Ông Tạo cho biết ĐH Hoa Sen đã có cam kết và gửi cho chủ tịch UBND TP.HCM và bộ trưởng Bộ GD&ĐT để tiến hành thực hiện cơ chế phi lợi nhuận. “Tôi mong tới đây các cấp chính quyền cho phép thí điểm toàn diện phi lợi nhuận tại ĐH Hoa Sen” - ông Tạo bày tỏ. PHONG ĐIỀN Từ năm 2006 đến nay, chúng ta cho thành lập quá ồ ạt các trường ĐH. Nhiều trường thực chất hoạt động vì mục đích lợi nhuận theo nguyên tắc của doanh nghiệp nhưng vẫn mang danh là phi lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư hám lợi quá, khi thấy trường bắt đầu có lợi nhuận thì tìm cách “cướp” trường. Điều này làm cho bộ mặt của giáo dục bị méo mó. Ở các trường mà các thầy cô đánh nhau như thế thì học trò, sinh viên sẽ nhìn các thầy cô bằng con mắt như thế nào… Rồi làm sao mà đào tạo được đội ngũ học sinh, sinh viên có chất lượng. GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm |