Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 1-3 Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp về việc cử LS Việt Nam tham gia hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương, đương sự trong vụ án liên quan đến người được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Theo LS Thịnh, hiện đã có 5 LS Việt Nam xung phong sang Malaysia để hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao, cho biết: Ở Malaysia, một LS nếu muốn tranh tụng hoặc trợ giúp pháp lý cho đương sự (hoặc bị cáo) trước tòa thì LS đó phải đăng ký hành nghề ở một tòa án và được tòa án đó chấp nhận.
“Tương tự như ở VN, một LS muốn hành nghề thì phải đăng ký hành nghề ở một đoàn LS và được đoàn LS đó chấp nhận. Do đó, nếu một LS nào của Việt Nam đã đăng ký hành nghề tại một tòa án ở Malaysia và được tòa án đó chấp nhận thì được phép bào chữa cho Đoàn Thị Hương” - ông Ngô Cường giải thích.
Tuy nhiên, ông Ngô Cường cũng lưu ý rằng nếu có một LS của Việt Nam được phép hành nghề tại Malaysia thì để hỗ trợ được cho Đoàn Thị Hương, LS đó dĩ nhiên cần hiểu rõ luật của nước này. Bởi Malaysia theo hệ thống thông luật (common law), một hệ thống luật thông pháp rất khác với hệ thống luật của Việt Nam.
Theo thông luật thì vụ án là do hai bên trình bày, thẩm phán chỉ là trọng tài, bảo đảm hai bên thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Nguyên tắc mặc cả tội phạm được thừa nhận.
“Ví dụ như ở tòa cấp dưới (Subordinate Courts) vừa rồi, nếu Đoàn Thị Hương nhận tội thì tòa sẽ ra phán quyết ngay. Hình phạt tối đa là 14 năm. Bởi tòa này chỉ có thẩm quyền ra hình phạt tối đa như vậy. Nếu không thì vụ án sẽ được một trong hai tòa cấp cao (High Court - Malaysia có hai cấp tòa này) xét xử. Khi LS và công tố viên đưa ra các bằng chứng “không còn gì để nghi ngờ” việc phạm tội của nghi can nữa thì tòa tuyên án. Ngược lại, nghi can sẽ được tòa tuyên vô tội. Vì vậy, LS phải thu thập được các chứng cứ cũng như có những lý lẽ thuyết phục để bào chữa cho Đoàn Thị Hương” - ông Ngô Cường giải thích.
Tuy vậy, theo ông Ngô Cường, trong trường hợp không có LS Việt Nam nào đang hành nghề ở Malaysia thì các LS Việt Nam vẫn có thể nêu ý kiến tư vấn với Đoàn Thị Hương và LS của cô ấy, nếu hai người này đồng ý.
Theo ông Ngô Cường, cơ quan ngoại giao của Việt Nam đã làm trọn vai trò khi tiếp xúc lãnh sự và tư vấn cho gia đình Đoàn Thị Hương đúng như quy định tại công ước Viene về lãnh sự.