Vụ Vạn Thịnh Phát: Những đồng tiền một đi không trở lại

(PLO)- Bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận có việc cho tiền tỉ nhưng không nhớ hết đã từng cho ai, cho bao nhiêu vì bị cáo chỉ biết cho chung những ai làm ở SCB.

Ngày 13-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư (LS) đối với các bị cáo để làm rõ quá trình giải quỹ để cắt đứt dòng tiền sau khi SCB giải ngân.

Chiêu thức cắt đứt dòng tiền sau giải ngân

Theo các bị cáo, hoạt động giải quỹ là làm các thủ tục để chuyển tiền ra khỏi tài khoản thụ hưởng mà trước đó SCB đã giải ngân theo phương án vay vốn. Sau khi tiền giải quỹ ra thông qua các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần có quay lại hay không và sau đó đi đâu thì các bị cáo không rõ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) có lời khai tại cơ quan điều tra về mục đích của các lần giải quỹ: “Mục đích giải quỹ tùy thuộc vào mỗi người trong Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, theo tôi là vì dòng tiền cần sử dụng trong Vạn Thịnh Phát hằng ngày rất lớn, hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng”. Tại tòa, khi luật sư công bố lời khai này, bị cáo Phương Anh xác nhận lời khai này là đúng.

Cáo trạng xác định để hợp thức việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo thân tín lập phương án thực hiện việc giải quỹ bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Cho tiền tỉ nhưng không nhớ cho ai, cho bao nhiêu

Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) được bị cáo Trương Mỹ Lan cho 20 tỉ đồng vào năm 2020, đến năm 2021 thưởng Tết thêm 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Lan nói: “Không nhớ cho 20 tỉ đồng hay 40 tỉ đồng”.

Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập phương án giải quỹ bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị kiểm tra, xử lý, đồng thời né nộp thuế.

Bị cáo Dũng thì khai khi làm chủ tịch HĐQT SCB nhận thù lao 180 triệu đồng/tháng. Thời điểm nhận chức vụ từ tháng 12-2020, bị cáo không nhận được kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (ban hành tháng 11-2020) nêu rất nhiều sai phạm của SCB, nếu bị cáo biết thì sẽ không nhận chức vụ này.

Bị cáo Dũng không phải là trường hợp duy nhất được bị cáo Trương Mỹ Lan cho tiền mà “không nhớ”. Tại tòa, khi được LS hỏi có cho cựu quyền tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng 10 triệu cổ phần (tương đương 100 tỉ đồng) không thì bị cáo Lan nói không nhớ hết đã từng cho ai, cho bao nhiêu vì bị cáo chỉ biết cho chung những ai làm ở SCB, còn phân chia ra sao thì là chuyện của SCB. “Những số tiền đã cho rất nhỏ với tôi” - bị cáo Lan nói.

Bị cáo Lan xin HĐXX được giải thích thêm rằng trước khi niêm yết cổ phiếu SCB lên sàn chứng khoán bà có cho toàn thể nhân viên cổ phần của mình, bao gồm cả bảo vệ, nhân viên vệ sinh.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng cho biết đối với 10 triệu cổ phần được bà Lan cho khi đã nghỉ việc, Hoàng đã bán bớt, còn lại 9,82 triệu cổ phần xin tự nguyện nộp lại cùng với phần mua thêm 300.000 cổ phiếu để khắc phục thiệt hại.

10 năm “rút ruột” của SCB hơn 1.000.000 tỉ đồng

Cáo trạng thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan tuyển chọn người vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB, trả lương 200-500 triệu đồng/tháng và tặng thưởng tiền, cổ phần SCB để “thu phục”. Những cựu lãnh đạo SCB như Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp bị cáo Lan “rút ruột” của SCB hơn 1.066.600 tỉ đồng trong 10 năm.

Trong đó, bị cáo Lan bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỉ đồng. Đây là tiền người dân, khách hàng gửi. Hiện ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỉ đồng. Như vậy, bị cáo Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 498.000 tỉ đồng.

Trương Khánh Hoàng bị cáo buộc giúp bị cáo Lan rút hàng trăm ngàn tỉ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội tham ô tài sản với vai trò đồng phạm. Bị cáo làm việc tại SCB trong gần ba năm với các chức vụ phó tổng giám đốc phụ trách khối tái thẩm định; phó tổng giám đốc thường trực phụ trách quản lý khối doanh nghiệp và quyền tổng giám đốc SCB (từ tháng 5-2021 đến tháng 8-2022).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới