“WHO mới chỉ “chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng”, không phải “chấp thuận sử dụng”. Đây là sơ suất của Bộ KH&CN”.
Đại diện Bộ KH&CN, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các khối ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, đã trả lời như vậy khi được hỏi về việc Bộ KH&CN gỡ thông tin “WHO chấp thuận bộ kit test của Việt Á” trên cổng thông tin của bộ này.
Đáng chú ý, trong bản tin đã bị gỡ của Bộ KH&CN không chỉ có nội dung sai sự thật về việc “WHO chấp thuận”, mà còn có nội dung kit test của Việt Á cũng được “Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)”... Sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng...
Nhưng hỡi ôi, cho đến khi Bộ Công an khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và khởi tố một số bị can thì cả xã hội mới té ngửa là không có tổ chức WHO hay Bộ Y tế Anh nào chấp thuận và cấp giấy chứng nhận cho kit test Việt Á cả!
Nói về nội dung “WHO chấp thuận”, đại diện Bộ KH&CN lý giải đó là sự nhầm lẫn, là “sơ suất”. Vậy bộ trả lời sao về thông tin kit test Việt Á được cấp giấy chứng nhận CE, được đối tác nước ngoài đặt mua độc quyền hàng triệu bộ để phân phối tại Anh, Mỹ và một số quốc gia châu Âu…?
Liệu có chấp nhận được đây chỉ là sự nhầm lẫn, sơ suất hay không?
Trở lại vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, cơ quan điều tra xác định Việt Á đã nâng khống giá đầu vào để có giá bán trên trời là 470.000 đồng/kit. Giá này là giá cao nhất trong các đơn vị bán kit test được Bộ Y tế giới thiệu tới các địa phương (theo công văn của Bộ Y tế thì giá một bộ xét nghiệm của các công ty trong nước khác là từ 179.800 đến 385.000 đồng - NV).
Ai cũng biết cơ cấu giá thành của một sản phẩm ngoài những yếu tố đầu vào thì còn có một yếu tố quan trọng và thậm chí chiếm phần trăm rất lớn, đó là giá trị thương hiệu. Cùng một đôi giày chất lượng như nhau nhưng giày hiệu đắt gấp 10 lần giày gia công là chuyện bình thường.
Tại sao giá kit test của Việt Á chễm chệ ở mức cao nhất như vậy? Trong đó có bao nhiêu phần trăm là từ giá trị thương hiệu do cái mác WHO chấp thuận và Bộ Y tế Anh cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu? Nếu không có cái mác “hàng Việt chất lượng Âu, Mỹ”, liệu Việt Á có thể bán với giá 470.000 đồng/kit hay không?
Thực tế, từ thông cáo báo chí và thông tin chính thức trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, hàng loạt cơ quan báo chí đã dẫn lại thông tin không đúng này. Và khi Bộ KH&CN gỡ tin, hàng loạt cơ quan báo chí cũng đã gỡ tin.
Có lẽ việc cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật của các chủ thể liên quan, bao gồm cả các cơ quan báo chí, sẽ được cơ quan quản lý xem xét, xử lý theo quy định.
Nhưng nếu như nơi đầu nguồn phát tin chính thức chỉ nhận thấy đây là “sơ sót”, “nhầm lẫn” thì dư luận thật khó chấp nhận! Việc “nhầm lẫn” này cần được kiểm tra rõ ràng, chỉ ra trách nhiệm cụ thể để công luận tiếp tục đặt niềm tin tuyệt đối vào thông tin từ các ngành chức năng.