Ngày 29-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hủy hoại rừng đối với Phạm Lê Huân, Phan Thị Tâm (vợ ông Huân), Trần Văn Năng, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Phi Trường và Phạm Thị Huyền (trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tiếp tục tạm hoãn và HĐXX chưa đưa ra thời gian mở lại phiên tòa.
Ở vụ án này, vợ chồng ông Huân, bà Tâm kêu oan từ đầu, cho rằng không hủy hoại rừng mà chỉ thuê người phát thực bì để trồng rừng cây keo trên đất nhận khoán đất trồng rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ.
Hiện ông Huân đã được tại ngoại, trở về gia đình sau gần 10 tháng bị bắt tạm giam.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 5-10.
Vợ chồng ông Huân và bà Tâm bị cáo buộc vào tháng 2-2016 thuê Năng, Cầu, Trường và Huyền phát thực bì tại rừng Kền Kền thuộc xã Phú Gia (huyện Hương Khê). Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tĩnh, kết quả điều tra xác định trong hơn 23 ha rừng đã phát, chặt phá có 41.400 m2 rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và 5a, tiểu khu 229, xã Phú Gia, thiệt hại về rừng 360 triệu đồng (120 m3 gỗ) và về môi trường hơn 1 tỉ đồng. Quá trình điều tra không thu được gỗ rừng tang vật vụ án. Khi khám nghiệm hiện trường chỉ có mặt Năng và Trường. Trong đó, Trường không biết chữ nên đã điểm chỉ vào văn bản.
Tuy nhiên, khi phiên tòa đang tạm hoãn thì ngày 23-10, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có Công văn số 1804 về việc phúc đáp ý kiến của Văn phòng luật sư Nguyễn Mai Hiệp (bảo vệ cho bị cáo Huân và Tâm).
Theo công văn: “Năm 2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tổng kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở báo cáo kiểm kê của UBND tỉnh (Văn bản số 1579 ngày 20-5-2013), Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 1280 ngày 6-6-2013. Theo đó thì trong khoảnh 5a thuộc tiểu khu 229 không có rừng tự nhiên, chỉ có rừng trồng”.
Luật sư Nguyễn Mai Hiệp (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Hiện nay chúng tôi đã nộp bổ sung công văn của Tổng cục Lâm nghiệp xác định khoảnh 5a không có rừng tự nhiên cho TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Luật sư cũng nộp cho HĐXX một số văn bản, tài liệu về việc phê duyệt dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, bản đồ kiểm kê rừng tiểu khu 229...
Công văn trả lời của Tổng cục Lâm nghiệp.
Trước đó, tại phiên xử vào ngày 5-10, thay vì tuyên án như đã thông báo trước đó thì quay lại phần xét hỏi...
Hai luật sư bảo vệ cho bị cáo Tâm và Huân đều cho rằng quá trình điều tra có một số quyết định, văn bản có lợi cho bị cáo lại không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Quá trình xét xử, luật sư tranh luận cho rằng: Bây giờ phải chứng minh được thỏa mãn dấu hiệu chủ quan, vợ chồng ông Huân phá rừng để làm gì. 120 m3 gỗ (tang vật) như cáo buộc đang nằm ở đâu?...