Vụ vô tình bắn chết bạn và dấu ấn của trợ giúp viên pháp lý

Những câu chuyện dưới đây tuy nhỏ nhưng đối với những người làm công tác trợ giúp pháp lý thì luôn mang ý nghĩa lớn lao. Bởi đây là một công việc đầy khó khăn, đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều tâm huyết và sự kiên trì.

Án mạng từ việc đi săn

Sáng 25-11-2015, Hồ Văn B. (SN 1993), Hồ Văn T. (SN 1975) và Hồ Văn R. (SN 1985, cùng trú huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đi săn tại khu vực rừng thuộc bãi 7, thôn 3, xã Phước Thành. Tại đây, B. đuổi theo một con heo rừng và nổ súng. Tuy nhiên, điều không ai mong muốn là viên đạn lại trúng vào người anh T. khiến anh này tử vong.

Đầu năm 2016, VKSND huyện Phước Sơn truy tố B. về tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 98 BLHS. Do bị can là người dân tộc thiểu số (dân tộc Cơ Tu) nên hồ sơ vụ án được chuyển đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TTTGPL) tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Văn Hương - Giám đốc trung tâm là người trực tiếp tham gia bảo vệ cho B. tại tòa.

Tại phiên sơ thẩm, đông đảo bà con trong bản đã đến trụ sở TAND huyện theo dõi phiên xử. Vợ nạn nhân T. cũng có mặt từ sớm. Nỗi đau mất người thân hiện hữu trong ánh mắt hoang mang, đờ đẫn của chị. Nhưng diễn biến phiên tòa đã giúp chị đủ tỉnh táo để hiểu rằng cái chết của chồng chỉ là tai nạn không may. Chị cũng hiểu rằng nếu bị cáo phải đi tù thì sẽ có một gia đình nữa rơi vào cảnh lao đao, túng thiếu như gia đình chị.

Về phần mình, ông Hương đã vận dụng hết các kiến thức và thông tin mà mình có được để hàn gắn mâu thuẫn giữa hai bên. Ông cho rằng bị cáo B. và nạn nhân T. vốn là bà con, hàng xóm thân thiện, trước đó không có mâu thuẫn gì, thế mới có chuyện họ rủ nhau đi săn. Việc anh B. bắn nhầm khiến anh T. tử vong là rủi ro ngoài ý muốn của bị cáo. Điều này thể hiện ở việc B. đã cố gắng cõng T. đi cấp cứu, hạn chế mức thấp nhất hậu quả sau khi sự việc xảy ra. Suốt quá trình tố tụng bị cáo cũng tỏ thái độ ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn. Do đó, ông Hương đề nghị tòa áp dụng hình phạt tù treo đối với B. để bị cáo có cơ hội chuộc lại sai lầm. Nghe vậy, những người dự khán đã vỗ tay hưởng ứng nhưng cuối cùng tòa vẫn tuyên B. chín tháng tù giam.

Sau phiên xử, ông Hương đã tận tình hướng dẫn để B. làm đơn kháng cáo. Thế rồi những nỗ lực của họ cuối cùng cũng được đền đáp khi tòa phúc thẩm chấp nhận đề nghị của ông Hương cho bị cáo B. được hưởng án treo.

Ông Hương (phải) bảo vệ cho bị cáo trong một vụ án. Ảnh: LÊ NGUYỄN

Phải cậy nhờ vị già làng

Anh Ating N. và chị Briú V. (dân tộc Cơ Tu, trú huyện Đông Giang, Quảng Nam) kết hôn năm 2007 và có hai con chung. Từ năm 2015, hai người mâu thuẫn nên tách ra sống riêng. Sau đó, chị V. có thai với người khác nên đề nghị ly hôn.

Theo phong tục của người Cơ Tu, người nào muốn ly hôn thì phải trả lại toàn bộ chi phí cưới xin cho người kia. Chị V. đồng ý trả lại con trâu trị giá 28 triệu đồng và được già làng đồng ý cho ly hôn. Tuy nhiên, khi chị V. đi đăng ký kết hôn với người khác thì mới biết cả hai vẫn là vợ chồng theo pháp luật.

Ông Hương kể chị V. rất đẹp, anh N. không muốn mất vợ nên đòi chị phải bồi thường 300 triệu đồng mới ký giấy ly hôn. Lúc này, một vấn đề pháp lý nảy sinh là giấy đăng ký kết hôn chỉ có chữ ký của anh N. mà không có chữ ký của chị V.

Sau khi tiếp nhận vụ việc, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tỉnh lập tức về bản phối hợp với tòa án tổ chức hòa giải nhưng anh N. không hợp tác, một mực yêu cầu chị V. trả đủ tiền mới được phép cưới người khác.

Phân tích, khuyên nhủ cả ngày vẫn như nước đổ lá khoai, ông Hương đành nhờ già làng thuyết phục. Bởi ông biết phong tục nơi đây thì ý kiến của già làng luôn được tôn trọng. Sau khi già làng tác động, anh N. đã đồng ý hòa giải theo hướng hỗ trợ sau ly hôn 10 triệu đồng. Hai con chung do anh nuôi dưỡng. Chị V. có trách nhiệm đóng phí nuôi con 500.000 đồng/tháng.

Tâm sự của người làm dâu trăm họ

10 năm làm thủ lĩnh của TTTGPL Quảng Nam, ông Hương chia sẻ công việc này giống như làm dâu thiên hạ, bởi TGVPL được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc vỡ ào trong vui sướng và cũng có lúc cảm thấy thất vọng, bất lực. Có lúc chúng tôi lại xúc động khi nhận những cái ôm biết ơn và cũng có lúc chạnh lòng khi phải nghe những lời hờn trách. “Chúng tôi tự hào vì đã luôn cháy hết mình vì nhiệm vụ, làm vụ nào ra vụ nấy chứ không làm nửa vời” - ông Hương nói.

Ông tâm sự: “Các vụ án này không quá phức tạp nhưng khiến chúng tôi băn khoăn, thậm chí là ám ảnh. Cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa rất khó khăn nên nhận thức còn hạn chế. Nhiều khi trợ giúp viên toát mồ hôi giải thích mà người dân vẫn lơ mơ lúc hiểu, lúc không. Tuy nhiên, đồng bào sống rất tình cảm. Nếu mình kiên nhẫn, biết cách truyền đạt để họ ưng bụng là họ tin cán bộ liền”.

Tại TTTGPL tỉnh Quảng Nam, mỗi năm trợ giúp khoảng 250 vụ việc các loại, phần lớn liên quan đến bà con dân tộc thiểu số, người lao động nghèo. Trung tâm đang có 14 TGVPL và thân thiết với nhau như một gia đình vậy. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm