Hôm nay (26-6), phòng Tư Pháp - UBND quận 3, TP.HCM kết hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở và trợ giúp pháp lý lưu động trên địa bàn quận 3 tại Hội trường Đảng ủy quận 3, TP.HCM.
Mục đích của hội nghị nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn quận, qua đó góp phần phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở và nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.
Tại hội nghị ông Trần Minh Huệ (trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM) giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ông Huệ trình bày tại hội nghị. Ảnh: YC
Theo ông Huệ, cơ sở pháp lý của hoạt động trợ giúp pháp lý quy định trong ba văn bản quan trọng là Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Nghị định 144/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư 08/2017/TT-BTP quy định về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Rất đông các hòa giải viên cơ sở tham dự hội nghị
Tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý quy định về các đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm bốn nhóm:
Nhóm người được kế thừa hoàn toàn từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (người có công cách mạng, người thuộc hộ nghèo)
Nhóm người được kế thừa và mở rộng từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 (trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhóm người áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, người cao tuổi,…)
Đặc biệt nhóm người được bổ sung mới (người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo).
Cạnh đó, ông Huệ còn giới thiệu về quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hội nghị còn có sự tham gia của báo cáo viên bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Theo dõi thi hành pháp luật - Sở Tư pháp TP.HCM) giới thiệu về Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017, sắp tới sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2018.
Tại hội nghị, bà Liên trình bày một số điểm quan trọng của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 về đối tượng được bồi thường, nguyên tắc bồi thường, cách xác định thiệt hại khi bồi thường, thủ tục bồi thường…
Bà Liên trình bài tại hội nghị. Ảnh: YC
Song song với việc tổ chức tập huấn kiến thức, 14 phường trên địa bàn quận đã tiến hành phát phiếu khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và thu phiếu khảo sát để tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả, lập biên bản khảo sát.
Sau đó, các phường đã báo cáo kết quả về quận, tổng cộng có 37 phiếu có nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn kèm theo hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Các luật sư, trợ giúp viên đang tư vấn miễn phí cho người dân. Ảnh: YC
Vì vậy tại hội nghị, các luật sư, trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM đặt bàn tiếp nhận và tư vấn miễn phí, giải đáp các thắc mắc pháp lý cho người dân trên địa bàn quận 3.