Đó là nội dung được đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-5,
Ông Nguyễn Phước Lộc, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết thời gian qua nhiều vụ tấn công cán bộ y tế trong bệnh viện gây bức xúc dư luận. Điều này đang gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ y tế và ảnh hưởng đến người điều trị.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: QH
“Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng việc tấn công cán bộ y tế - người đang điều trị cho bệnh nhân đã tước đi quyền điều trị cho những bệnh nhân kế tiếp. Có thể so sánh việc tấn công cán bộ y tế như tấn công phi công, lái xe đang thi hành nhiệm vụ…” - đại biểu nhấn mạnh.
Từ đó, Đại biểu Lộc đề nghị cần lưu ý vấn đề này, tránh để diễn ra tràn lan, trở thành phổ biến.
Còn bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng phải tạo ra một hành lang pháp lý, một cơ chế để bảo vệ nhân viên y tế hoạt động. “Theo dõi vụ xử BS Hoàng Công Lương mấy ngày vừa rồi, bản thân chúng tôi làm trong ngành y tế rất đau lòng, hoang mang. Phải xác định đúng người, đúng tội chứ tại sao lại đổ hết cho bác sĩ trực tiếp làm và lo cứu bệnh nhân trong khi bác sĩ đó làm sao biết chất lượng nước như thế nào?” - đại biểu nói.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn bệnh nhân khỏi nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, có những việc xảy ra ngoài ý muốn. Người bác sĩ khi đi vào đối diện với bệnh nhân phải được bảo đảm chỉ tập trung làm chuyên môn thôi, mỗi sơ sẩy mà sau đó không có sự bảo vệ của ngành, của lực lượng chuyên nghiệp thì không được.
Bà nhấn mạnh: “Đương nhiên, bác sĩ không phải muốn làm gì thì làm nhưng phải có hành lang pháp lý, việc này bàn cãi mãi rồi mà chưa ra được gì".
Cũng theo bà, bên cạnh cơ sở vật chất, điều quan trọng nhất trong ngành y là con người.
“Tại sao chúng tôi không thấy những đề xuất chính thức từ phía Bộ Y tế về cơ chế đãi ngộ cho bác sĩ?... Tôi chỉ ước mơ ít ra bằng được hệ thống bảo hiểm, mức lương của họ bằng 1,8 lần, lương trung bình là 8,86 triệu đồng. Trong khi chúng tôi, cho dù khi ra trường có thể đã là tiến sĩ dược thì lương cũng bắt đầu tất cả từ bậc 1, khi tập sự cũng chỉ hưởng 85% lương. Thử hỏi làm sao thu hút người tài?" - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn đặt vấn đề.
Ở khía cạnh khác, vị đại biểu cũng cho biết hiện có việc các bác sĩ từ hệ thống công lập “chân trong chân ngoài” làm thêm, thậm chí rời bỏ hệ thống công lập ra ngoài với mức lương mấy chục lần.
“Kêu gọi bác sĩ thể hiện y đức nhưng phải tạo môi trường để bác sĩ thể hiện y đức, người ta phải nuôi sống được gia đình, bản thân, con cái, có tích lũy, còn nếu như thế này vô cùng bất công” - bà Lan khẳng định.