Trong báo cáo mới phát hành, S&P Global Market Intelligence cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 47,4 điểm trong tháng 1-2023, tăng so với mức 46,4 điểm trong tháng 12-2022.
Điều này cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm hơn và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trở lại. Việc làm cũng giảm chậm hơn.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence, đánh giá, dù nhu cầu hàng hóa của các công ty sản xuất ở Việt Nam vẫn còn yếu vào đầu năm 2023 khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tiếp tục giảm, đã có một số dấu hiệu tích cực từ lần khảo sát PMI này.
Một trong những điểm tích cực chính trong tháng 1 là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, từ đó tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại.
Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc, cộng với những dấu hiệu cho thấy suy thoái ở Châu Âu và Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến, đã mang lại niềm lạc quan về khả năng tăng trưởng ở Việt Nam.
S&P Global Market Intelligence cũng dự báo sản lượng công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2023.