Dĩ nhiên khi chuyển thể phải được sự đồng ý của tác giả văn học hoặc người thừa kế. Rồi từ kịch bản ấy, đạo diễn sẽ tiếp tục triển khai, thêm thắt thành một tác phẩm nghệ thuật khác, hay dở tùy tay nghề của đạo diễn. Cũng có đạo diễn tự mình chuyển thể thành kịch bản để dàn dựng. Nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn được coi như đồng tác giả. Và từ đây cũng có lắm chuyện“hỉ nộ ái ố” về chuyện đồng tác giả.
Có những tác phẩm văn học chuyển thể thành những kiệt tác nghệ thuật nhưng vẫn giữ được tư tưởng chủ đạo hay thông điệp của nguyên tác. Đơn cử gần đây nhất là bộ phimTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhchuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do đạo diễn Việt kiều Victor Vũ dàn dựng. Năm qua phim đã gặt hái thành công ngoài sức tưởng tượng, cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu. Bộ phim đã đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim lần thứ 19. Bản thân Victor Vũ cũng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Và doanh thu phim chiếu rạp đạt gần trăm tỉ đồng! Cả hai “đồng tác giả”Nguyễn Nhật Ánh và Victor Vũ có lẽ “sướng hết biết”. Trong phimTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ đã góp phần sáng tạo cùng nhà văn thổi chất thơ trong nguyên tác bay bổng, tiếp nối thông điệp về tình yêu thiên nhiên và sự hồn nhiên trong sáng của các nhân vật nhỏ tuổi đáng yêu.
Nhưng cũng không hiếm những tác phẩm văn học khi chuyển thể đã thành những bộ phim “thảm họa” - như cách nói của một vài nhà phê bình điện ảnh. Vì sự tế nhị cần thiết xin không nêu ra những tác phẩm “thảm họa” đó ở đây, nhắc lại nỗi đau cho cả tác giả văn học lẫn đạo diễn. Dĩ nhiên tác giả nguyên tác rất phiền lòng, họ chỉ muốn quên đi. Ngay cả nhiều khi tác phẩm chuyển thể chưa đến nỗi là thảm họa, bởi nó cũng thu hút khán giả và doanh thu khá nhưng nguyên tác đã biến dạng đến nỗi tác giả không còn nhìn ra đứa con tinh thần của mình nữa! Tôi biết có nhà văn đã nổi giận và gây sự với đồng tác giả.
Không ít tác phẩm âm nhạc nổi tiếng được công chúng yêu nhạc đắm say bắt nguồn từ những bài thơ hay đã gợi hứng cho nhạc sĩ sáng tác. Thi sĩ và nhạc sĩ là đồng tác giả nhưng có vẻ thiếu công bằng khi công chúng thường biết tới nhạc sĩ nhiều hơn thi sĩ. Và cả nhuận bút được phân chia nghiêm túc nhất thì phần thơ cũng chỉ nhận được 30% trong khi phần nhạc hưởng đến 70%. Đó là nói chuyện phân chia sòng phẳng, chứ thường thì nhiều nhạc sĩ lờ đi tác quyền thơ. Các thi sĩ thường rất vô tư, nghĩ rằng thôi thì có thơ được phổ nhạc là vui rồi. Bởi ai cũng biết âm nhạc vô cùng lợi thế đến với công chúng, trong khi thơ lại thường kén người đọc. Có nhạc sĩ còn “quên” đề tên tác giả thơ khi in nhạc hay làm album, như trường hợp nhạc sĩ TQL phổ thơ của nhà thơ AK. nhưng trong nhiều năm không đề tên tác giả lời bài hát trên mọi ấn phẩm nhạc. Mãi đến khi báo chí phanh phui, nhạc sĩ mới cho in tên tác giả thơ và trả chút nhuận bút tượng trưng.
Lại có trường hợp lập lờ danh nghĩa đồng tác giả để chiếm đoạt sở hữu trí tuệ. Tôi biết một người vốn là nhà giáo nay đã hưu, ông ta cũng có viết lách lăng nhăng. Trước kia ông ta hay lân la đến các soạn giả cao tuổi đề nghị góp ý bổ sung vào các công trình biên soạn. Với cái mác “nhà giáo - nhà nghiên cứu”, ông ta được tác giả cao niên cho tham gia bổ sung một số điều vào bản thảo công trình đã biên soạn. Khi xuất bản, sách đề tên hai người - đồng tác giả. Nhà nghiên cứu cao niên đứng tên trước, tên ông ta đứng sau. Nhưng khi tái bản, tên ông ta đứng trước, tên vị tác giả cao niên đứng sau. Nhiều độc giả tưởng ông ta là tác giả chính, trong khi ông ta chỉ là người hiệu đính, bổ sung. Cái sự lập lờ đó trong giới chữ nghĩa, học thuật hiện nay không phải là ít nhưng với cái vỏ trí thức, những học... giả vẫn tiếp tục đánh lận.