Trước đó, ngày 1-4, Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị thất lạc nguồn phóng xạ. Theo kết quả kiểm kê, đánh giá nguồn phóng xạ định kỳ vào tháng 12-2014, Nhà máy có năm nguồn phóng xạ lắp đặt trên dây truyền sản xuất. Đến giữa tháng 3-2015, khi tiến hành bàn giao công việc, tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ thì phát hiện một nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) đã bị thất lạc.
Tại cuộc họp khẩn cấp sáng nay, ông Lê Thanh Dũng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo bằng mọi giá tìm kiếm được nguồn phóng xạ bị thất lạc trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, thông tin, hình ảnh về nguồn phóng xạ phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà máy và người dân, nhất là các vựa ve chai quanh huyện Tân Thành để cùng tìm kiếm. “Việc trách nhiệm để mất nguồn phóng xạ này sẽ được đề cập sau. Trước mắt, thời gian rất khẩn trương, mọi biện pháp tìm kiếm phải được sử dụng để tìm nguồn phóng xạ này. Người nào có thông tin về nguồn phóng xạ trên sẽ được thưởng. - ông Dũng chỉ đạo.
Ông Lê Thanh Dũng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trái) và ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân chỉ đạo tại cuộc họp khẩn cấp sáng 6-4.
Trong chiều 6-4, đoàn cơ quan chức năng trong đó có ông Vương Hữu Tuấn- Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ xuống trực tiếp Nhà máy Pomina 3 để ghi nhận hiện trường, chỉ đạo công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc. Cơ quan An ninh Điều tra- Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang khẩn trương, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để điều tra nguyên nhân cũng như tìm kiếm nguồn phóng xạ trên.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 6-4, sau khi nhận được đơn trình báo thất lạc nguồn phóng xạ của Nhà máy luyện phôi thép (Pomina 3)-Chi nhánh công ty Cổ phần thép Pomina, Sở đã cử đoàn công tác đến làm việc với công ty vào hồi 8 giờ 30 sáng 2-4. Tuy nhiên lúc này Pomina 3 chưa sắp xếp và báo cáo giải trình cụ thể sự việc bị thất lạc nguồn phóng xạ. 10 giờ ngày 3-4, tại Văn phòng của Pomina 3, sở cùng với các đơn vị Phòng An ninh Điều tra (PA92), Kỹ thuật Hình sự, công an huyện Tân Thành đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Pomina 3 về sự cố thất lạc nguồn phóng xạ.
Đại diện Pomina 3 cho biết công ty có thực hiện việc bàn giao công tác quản lý về an toàn bức xạ vào ngày 25-3 giữa ông Đào Đức Hùng (Phụ trách An toàn bức xạ cũ) và ông Nguyễn Văn Út (nhân viên dự kiến thay thế công việc của ông Hùng). Sau khi bàn giao hồ sơ, ông Út phát hiện mất một nguồn phóng xạ Co-60, hoạt độ 1,58x10‑4 TBq, trên dây chuyền sản xuất (lò đúc thứ ba trong số năm lò đúc). Ông Hùng không giải trình được việc thất lạc này và đồng thời tại thời điểm làm việc với đoàn, Pomina 3 không triệu tập được ông Hùng đến để giải trình sự việc trên. Pomina 3 báo cáo đã thông báo và tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc trong toàn Nhà máy của công ty từ thời điểm phát hiện thất lạc nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Một hộp đựng nguồn phóng xạ tương tự thiết bị đang bị mất. Ảnh: Khánh Ly
Sở đã đề nghị Pomina 3 báo cáo khẩn cấp, giải trình sự việc gửi về Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân- Bộ Khoa học và Công nghệ để có cơ sở hỗ trợ tìm kiếm. Sở cũng yêu cầu báo cáo cụ thể về số seri nguồn đến thời điểm phát hiện mất, hình ảnh vật chứa nguồn phóng xạ, xác định rõ thời gian, địa điểm phát hiện mất, các phương án đã thực hiện và kế hoạch ứng phó sự cố thất lạc nguồn phóng xạ đã được áp dụng…). Đồng thời, yêu cầu Pomina 3 tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó sự cố bức xạ tại cơ sở theo quy định của pháp luật.
Ngày 4-4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũg Tàu và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ bị mị mất. Thực hiện văn bản chỉ đạo trên, Sở tiếp tục có báo cáo về vụ việc trên.
Nguồn phóng xạ Co-60 bị mất của Nhà máy Pomina 3 sử dụng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất phôi thép ở lô số 3. Nguồn phóng xạ có hoạt độ hiện tại khoảng 2,33mCi. Ở khoảng cách 10cm nguồn phóng xạ có thể gây ra suất liều chiếu xạ là 2,5mSv/h, trong khi mức liều chiếu xạ cho phép đối với người dân bình thường trong một năm chỉ là 1mSv. Do đó nguồn phóng xạ có thể gây ra tác hại cho sức khỏe của con người khi tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, việc tìm kiếm và nhanh chóng thu hồi nguồn phóng xạ này là quan trọng và rất cấp bách. |