Thông tin trên được ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 thuộc Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2016 tổ chức vào ngày 30-12.
Theo ông Lữu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có số mẫu thịt nhiễm vi sinh cao nhất: 19/42 (trên 45%); kế đến là TP.HCM: 1.118/2.588 (hơn 41%); tiếp theo là tỉnh Đồng Nai: 66/218 (trên 30%). Hai tỉnh Ninh Thuận và Tây Ninh không phát hiện mẫu thịt nhiễm vi sinh.
Thịt gà nhiễm khuẩn bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Kết quả phân tích còn ghi nhận 1/33 (3%) mẫu thịt gia súc ở Long An chứa hàm lượng kháng sinh Sulfadimidine vượt ngưỡng cho phép” - ông Lữu cho biết thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Thế Đồng, Trưởng dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), cho biết vi khuẩn Salmonella gây tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn, sốt, đau đầu… Chưa hết, vi khuẩn này còn có nguy cơ ảnh hưởng tới da, cơ, mắt. Thậm chí gây sưng và đau ở các khớp xương.
Còn nhiều mẫu thịt bị nhiễm khuẩn. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Kháng sinh Sulfadimidine được dùng để chữa một số bệnh do vi trùng và cầu trùng trên gia súc, gia cầm. Kháng sinh này còn tồn dư trên thịt là do người chăn nuôi lạm dụng và không tuân thủ thời gian ngưng thuốc trước khi xuất chuồng hoặc đưa vào giết mổ. Kháng sinh Sulfadimidine hết sức nguy hiểm cho người tiêu dùng vì gây ra hiện tượng đề kháng kháng sinh (còn gọi là lờn thuốc)” - TS Đồng lưu ý.