Trao đổi tại Hội nghị giao ban, cung cấp thông tin báo chí tháng 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, lãnh đạo địa phương rất trăn trở về việc tách thửa, phân lô trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm S, việc tách thửa, phân lô không chỉ đơn thuần là chỉ dựa vào luật đất đai mà nó chồng chéo trong nhiều luật, quy định, liên quan đến 7 luật khác.
Ông Phạm S chia sẻ, để tham mưu cho lãnh đạo UBND ra quyết định liên quan đến việc tách thửa, Sở TN&MT và Sở Xây dựng đã đi cơ sở và họp liên tục để ra một văn bản trình lãnh đạo tỉnh ký nhưng vẫn còn bất cập.
Sau đó tỉnh tiếp tục ban hành một văn bản tạm thời (không chính thức), rồi lãnh đạo tỉnh ký tiếp 2 văn bản nữa nhưng vẫn chưa ổn. Điều này có thể thấy đây là một vấn đề rất phức tạp, cần nhận được sự đồng cảm của các cơ quan báo chí và người dân.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Phạm S trao đổi với báo chí về vấn đề tách thửa đất. Ảnh: VÕ TÙNG |
Tháng 10-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động tách thửa để hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Một tháng sau, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp ký ban hành Quyết định 40/2021 quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này quy định, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp là 500 m2 tại khu vực đô thị; 1.000 m2 tại khu vực nông thôn. Trường hợp tiếp giáp với đường giao thông, ngoài diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định thì thửa đất phải có kích thước cạnh tiếp giáp đường lớn hơn 10 m. Như vậy, so với trước đó, diện tích tối thiểu để được tách thửa đất nông nghiệp tăng lên gấp hai lần.
Văn bản này triển khai được ba tháng (đến tháng 1-2022) thì Sở TN&MT có văn bản yêu cầu các địa phương tạm dừng tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đến tháng 7-2022, sau sáu tháng không giải quyết hồ sơ tách thửa, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành Văn bản 4119 về việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất.
Theo đó, cá nhân chỉ có thể tách thửa, sang nhượng quyền sử dụng đất khi thành lập hợp tác xã, công ty. Ngoài ra, thửa đất mà người dân muốn tách phải lập dự án, lập quy hoạch để trình phê duyệt.
Văn bản này chỉ giải quyết tách thửa đối với các trường hợp thừa kế hoặc tặng cho giữa các cá nhân có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Mỗi người nhận hoặc cho tặng chỉ được nhận một thửa đất sau khi tách thửa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục có nhiều vướng mắc khiến việc tách thửa của người dân bị đình trệ.
|
Làn sóng hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa từng gây cơn sốt đất một thời ở tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa: VÕ TÙNG |
Đến ngày 16-3, trước nhiều kiến nghị, vướng mắc trong việc tách thửa đối với đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã ký Văn bản 1952 để xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, TP.
Tuy nhiên, sau nhiều lần ban hành văn bản rồi tạm dừng, các vướng mắc về tách thửa đất tại tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa được tháo gỡ.
Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng người dân vẫn rất khó thực hiện việc tách thửa.