Ngày 16-5 tại TP.HCM, Ban Tiếp thị nông nghiệp vùng Flanders (Bỉ) tổ chức buổi tìm hiểu cơ hội tăng thị phần nhập khẩu các sản phẩm khoai tây đã qua chế biến vào Việt Nam.
Ông Romain Cools, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành công nghiệp chế biến và sản xuất khoai tây Bỉ (Belgapom), cho biết: "Nằm trong chiến dịch mở rộng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường Đông Nam Á, chúng tôi rất vui mừng được chính thức giới thiệu khoai tây Bỉ tại Việt Nam sau khi đã ra mắt tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Thực tế, khoai tây chiên Bỉ đã có mặt tại các thị trường Đông Nam Á nhưng chúng tôi nhận thấy nhiều tiềm năng dành cho các hoạt động xuất khẩu chưa được khai thác hết và mong muốn được mang sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Bỉ tới các thị trường này.
Mặc dù khoai tây chiên của Bỉ vẫn chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, với mức tiêu thụ khoai tây vẫn thấp chỉ 4 kg/người/năm nhưng mức tăng dân số 1,1%/năm thì nhu cầu tiêu thụ khoai tây cũng gia tăng".
Romain Cools chia sẻ những chiến lược mong muốn đưa khoai tây Bỉ vào thị trường Việt Nam.
Ông Romain Cools cho biết thêm: “Chúng tôi cũng tự tin vào sự cạnh tranh của mình khi giá nhập khẩu trung bình của khoai tây chiên Bỉ vào Việt Nam năm 2017 là 773 EUR/tấn, thấp hơn so với giá nhập khẩu khoai tây chiên từ Mỹ là 1.102 EUR/tấn".
Ông cũng lấy ví dụ cùng một lượng khoai tây đông lạnh nhưng giá nhập khẩu khoai tây Bỉ rẻ hơn so với giá nhập khẩu từ Trung Quốc (mức giá trung bình của khoai tây nhập từ Trung Quốc sang VN là 781 EUR/tấn).
Thêm vào đó, chất lượng khoai tây Bỉ đã được đánh giá, khẳng định từ lâu đời khi Bỉ là quốc gia xuất khẩu khoai tây đông lạnh lớn nhất thế giới, với 90% tổng sản lượng được xuất khẩu ra toàn thế giới.
Du khách thưởng thức khoai tây Bỉ.
Ông cũng tin tưởng rằng mặc dù đến sau Mỹ và Trung Quốc song Bỉ vẫn có nhiều cơ hội và họ sẽ chọn thị trường ngách để tiến vào. Cụ thể, trong tương lai các doanh nghiệp của Bỉ sẽ hợp tác với các công ty của Việt Nam cùng phát triển kinh doanh khoai tây Bỉ như nhà máy chế biến khoai tây chiên ở Peru.
Bên cạnh đó, Bỉ cũng sẽ hướng đến hoạt động chuyển giao công nghệ, khoa học và kinh nghiệm cho người dân Việt Nam để "địa phương hóa" khoai tây nhằm gia tăng sản lượng, chất lượng cây trồng trên đồng ruộng.