Trong đó đáng chú ý là đề xuất Quốc hội cho tăng thuế BVMT đối với tất cả mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Cụ thể, thuế BVMT đối với xăng đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel đề xuất tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu madut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Theo tính toán, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỉ đồng một năm từ việc tăng thuế BVMT với xăng dầu này.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế BVMT lên mức phù hợp. Bởi giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước.
Ví dụ giá xăng, dầu Việt Nam thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít, Singapore là 17.394 đồng/lít, Philippines là 3.451 đồng/lít…
Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia nhận định việc tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng lãnh đủ.
Mặt khác, việc Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế BVMT là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là không thuyết phục. Hơn nữa, giá xăng dầu đang cõng quá nhiều loại thuế và phí, nếu tiếp tục tăng nữa là thuế chồng lên thuế.
Do đó, thay vì cứ chăm chăm tăng thuế, Bộ Tài chính nên tập trung vào chống thất thu, mở rộng cơ sở thu và đặc biệt đưa ra các giải pháp thắt chặt chi tiêu, chống lãng phí, thất thoát, tiết kiệm từng đồng thuế của dân.