Vượt qua rào cản tâm lý để du học

Rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn chưa biết mục đích sống hay tương lai sắp tới của mình sẽ là gì, thậm chí chính các bạn cũng chưa có bất kỳ một ý định gì về nghề nghiệp. Thế nên khi đặt vấn đề “đi du học hay không”, các bạn tỏ ra e ngại và khó quyết đoán vì “không biết môi trường bên ấy có tốt không”, “du học có đáp ứng được mong muốn kỳ vọng của mình không”, “liệu mình có hối hận sau khi đi du học hay không?”…

Mạnh dạn “đi để kiểm chứng thực tế”

Chia sẻ trên diễn đàn du học mới đây, Nguyễn Chí Hiếu, du học sinh giỏi nhất nước Anh 2004 và là một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới, cho biết anh cũng từng “liều” đi du học do được nhận học bổng. Bởi lẽ khi đó anh Chí Hiếu đi trong tâm thế chưa có mục đích ban đầu.

Trước các quan điểm e ngại trước việc “du học chưa mục đích”, anh Chí Hiếu cho rằng đi du học “không cần mục đích ban đầu”, nếu có mục đích rõ ràng thì cũng chưa chắc có thể thành công. Thế nên khi có điều kiện, chúng ta cứ đi để tìm kiếm những điều mới mẻ cho bản thân bằng cách kiểm chứng. Bởi lẽ những thông tin du học từ các kênh khác chưa thể có độ tin cậy tuyệt đối bằng việc “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”.

Steve Jobs cũng từng hoang mang trước mục tiêu học tập của mình nhưng đã thành công lừng lẫy bằng cách nuôi dưỡng lòng đam mê qua công việc.

Đồng tình với quan điểm của anh Chí Hiếu, anh Phạm Đình Hải Long, tân sinh viên Trường ĐH Williams (Mỹ), cho rằng đi du học mà vẫn còn mông lung trong đầu cũng là một điều… hay. Bởi vì các du học sinh còn có hai năm đầu để tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm bản thân trước khi bắt đầu chương trình học chính thức.

Điều đặc biệt, yếu tố quyết định thành công hay không trong việc du học nằm ở chỗ du học sinh có ý chí muốn được thử thách, dám đối mặt thử thách, biết cách tiếp thu và hoàn thiện để vượt qua thử thách hay không. “Nếu chịu “mở” cái đầu tiếp nhận những cái mới thì người du học với xuất phát điểm không có mục đích vẫn có thể thành công sớm hơn so với người có mục đích” - anh Chí Hiếu cho biết.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của mình, cha đẻ của hãng máy tính khổng lồ Apple, Steve Jobs, chia sẻ rằng: “Tôi từng không có ý niệm về những gì muốn làm trong cuộc đời mình và cũng không hiểu trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào”. Trong lúc chưa tìm ra mục đích của mình, Steve vẫn có niềm tin “mọi việc rồi sẽ ổn cả”.

Cố gắng biến công việc thành đam mê

Nhiều học sinh chưa mạnh dạn du học dù có điều kiện tài chính, ngoại ngữ là vì đôi lúc họ quên đam mê, sở thích của họ là gì. Đó sẽ làm kim chỉ nam, cũng là động lực quan trọng để bạn đi du học mà trong đầu vẫn còn chưa hình dung được mục đích mà bạn muốn hướng tới.

Steve Jobs từng chia sẻ: “Tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá”. Đó là nền tảng để các học sinh có thể đưa ra các quyết định táo bạo và cũng là động lực để các bạn học sinh dám “dịch chuyển” ra nước ngoài để tìm kiếm cái mới.

Tuy nhiên, đam mê không phải là yếu tố cố định. Anh Chí Hiếu kể thời gian du học 10 năm ở Anh, anh đam mê kinh tế tài chính nhưng hiện tại anh lại làm ngành giáo dục. Bởi lẽ đam mê đôi lúc có sẵn cũng tốt. Tuy nhiên, đối với công việc thì đừng nghĩ rằng phải có đam mê mới làm. Chính quá trình làm việc sẽ giúp chúng ta cảm nhận và nhận thấy đam mê thật sự của bản thân từ chính công việc đó.

Thế nên ngay cả khi các bạn học sinh chưa nhìn thấy đam mê của mình, nếu có đủ điều kiện vẫn có thể mạnh dạn đi du học với một “cái đầu mở”. Để rồi tiếp thu qua những điều mình nghe-thấy-ngẫm, áp dụng vào công việc thì đam mê cũng có thể nảy nở.

PHÚ LỢI

 

Phải luôn giữ thái độ đúng

Nguyễn Chí Hiếu hiện là Giám đốc chiến lược sản phẩm của một trung tâm tư vấn du học tại TP.HCM chia sẻ bản thân anh lúc đầu cũng không có ý định đi du học. Tuy nhiên, nhờ thử săn được một học bổng nên anh đã đánh liều đi tìm cơ hội cho mình. Anh lưu ý: “Thái độ là một trong những yếu tố quan trọng. Không hẳn bạn đi du học ở trường danh giá trên thế giới hay sở hữu các giải thưởng thì bạn là người giỏi nhất. Thái độ luôn cầu tiến, học hỏi từ nhiều người là điều cần thiết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm