Buổi tập huấn “Bệnh thường gặp khi giao mùa và cách phòng tránh” do TS.BS Lê Văn Nhân (nguyên PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguyên giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) thực hiện nhằm cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe khi giao mùa.
Theo BS Nhân, giao mùa là điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển mạnh. Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cũng như độ ẩm sẽ tạo điều kiện thích hợp cho các nhóm virus khác nhau phát triển, lây lan gây ra các bệnh truyền nhiễm. Ai cũng có thể mắc bệnh giao mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, bệnh dại, viêm phế quản… Song song đó, BS Nhân đã nêu những dấu hiệu nhận biết của từng loại bệnh, triệu chứng, nguy cơ và cách phòng ngừa, chữa trị.
Chị Kim Thị Sa Nan (43 tuổi, quê Trà Vinh) chăm chú lắng nghe những điều bác sĩ chia sẻ và xung phong trả lời nhiều câu hỏi bác sĩ đặt ra đối với những trường hợp bệnh. Chị Sa Nan cho biết, hai vợ chồng đều làm công nhân của Công ty VWS nhiều năm nay. Bản thân chị đã tham gia nhiều buổi nói chuyện sức khỏe như thế này, mỗi chương trình luôn cung cấp những kiến thức bổ ích, thú vị...
“Những buổi nói chuyện chuyên đề này rất quan trọng, giúp cho mình có thêm kiến thức phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Nhờ đó có thể chia sẻ kiến thức cho nhiều người xung quanh…”, chị Sa Nan bộc bạch.
Nhận thấy các kiến thức rất cần thiết, anh Phạm Văn Khoa, nhân viên phòng Kỹ sư Công ty VWS còn cẩn thận ghi chép những triệu chứng, biểu hiện của bệnh vào cuốn sổ nhỏ. “Từ những điều học được, không ít lần tôi đã áp dụng vào gia đình và rất hiệu quả. Không chỉ vậy, tôi còn chia sẻ kiến thức với bạn bè, người thân xung quanh để mỗi người có thể tự phòng bệnh cho bản thân”, anh Khoa nói.
Thường xuyên được mời đến trò chuyện, tập huấn kiến thức liên quan đến sức khỏe người lao động, TS.BS Lê Văn Nhân nói rằng, hiện hầu hết các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp đều có bộ phận y tế để theo dõi, trong đó có việc tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe công nhân viên. Công ty VWS luôn làm rất tốt trong vấn đề tổ chức các lớp tập huấn về những bệnh lý nói chung và bệnh giao mùa nói riêng.
“Theo tôi, hiệu quả từ những chương trình tập huấn kiến thức này rất lớn”, BS Nhân nhấn mạnh. Đầu tiên, người lao động có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình. Thứ nữa là kiến thức này còn giúp người lao động trở thành “kênh truyền thông” để mang những kiến thức đó về áp dụng cho các thành viên trong ngôi nhà của mình, những người cùng sinh sống và làm việc… Từ đó, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu số người mắc các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi, tiêu chảy…
Thông qua việc nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe như vậy sẽ giúp người lao động bảo đảm ngày công của mình, bảo đảm công việc, hỗ trợ cho họ có đời sống ngày càng tốt hơn về tinh thần, phẩm chất… Chính những điều này đã tạo thành “chất keo”, “chất xúc tác” gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Người lao động xem doanh nghiệp như gia đình thứ hai, thôi thúc họ muốn làm việc, muốn cống hiến nhiều hơn cho “gia đình” của mình.
Là một trong những doanh nghiệp luôn chăm lo cho sức khỏe công nhân viên, người lao động, hàng năm, Công ty VWS thường xuyên tổ chức các chương trình khám sức khỏe miễn phí, tặng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (vitamin, kẽm, sắt…) nhằm giúp người lao động tăng sức đề kháng. Ngoài ra, Công ty VWS còn hỗ trợ, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo con em lao động học giỏi; tổ chức các buổi tập huấn về phòng cháy chữa cháy; nói chuyện chuyên đề, nâng cao kiến thức chăm lo sức khỏe cho người lao động.