Đây là một trong những hoạt động giao lưu trong khuôn khổ chương trình “Nghiên cứu đô thị TP.HCM” của Trường Đại học (ĐH) Kiến Trúc TP.HCM hợp tác với Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên tham quan, tìm hiểu và cảm quan về đô thị.
Cô Khổng Minh Trang (giảng viên Viện Đào tạo Quốc tế của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM), người trực tiếp dẫn đoàn cho biết chuyến tham quan Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS) nằm trong khuôn khổ chương trình “Nghiên cứu đô thị TP.HCM” của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM hợp tác với Trường ĐH Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên thấu hiểu và cảm nhận trực quan về xử lý chất thải của các đô thị lớn.
Chào đón các sinh viên ngành đô thị kiến trúc, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành Công ty VWS đã giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý chất thải tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, như: nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế.
“Sau khi tham quan và trực tiếp tìm hiểu, tôi rất vui khi thấy các công nghệ của VWS rất tiên tiến khi áp dụng vào việc xử lý rác thải. Qua đó, giải quyết được các vấn đề mang tính cấp bách về môi trường”, giảng viên Minh Trang bày tỏ.
Theo bạn Lê Thục Uyên (sinh viên năm 4 ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM) chia sẻ trước đây bạn nghĩ một nơi xử lý rác thải sẽ rất ô nhiễm, có mùi khó chịu… nhưng sau chuyến tham quan, bạn đã rất bất ngờ về công nghệ hiện đại và quy trình xử lý rác với quy mô lớn của VWS.
Được biết, nhiều năm qua, Công ty VWS và Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước thường xuyên đón tiếp các khóa sinh viên, y bác sĩ, học sinh tiểu học, trung học, trong nước và quốc tế… đến tham quan, tìm hiểu về quy trình và công nghệ xử lý rác thải. Qua đó, giúp mọi người và xã hội nhìn thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Ngoài xử lý rác bảo vệ môi trường, hiện Công ty VWS đang có dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện nhằm giảm thiểu việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hiện hữu. Dự án mới này đang được VWS trình hồ sơ và chờ UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, công ty lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc thù và thành phần rác tại TP.HCM, đó là công nghệ của Nhật Bản. Công suất dự kiến của nhà máy đốt rác phát điện xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, hiện đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.