Hôm 14-2, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp “khẩn cấp” để bàn về virus Marburg. Virus này hiện lan rộng ở Guinea Xích đạo và khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, bên cạnh nhiều trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh khác.
Tổ chức này cho biết các chuyên gia y tế và đồ bảo hộ sẽ được gửi đến Guinea Xích đạo. Các mẫu xét nghiệm cũng sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm ở Senegal để giúp tìm ra nguồn gốc của đợt bùng phát mới, theo đài RT.
Nhân viên y tế bên ngoài khu cách ly các bệnh nhân nhiễm virus Marburg ở Angola. Ảnh: REUTERS |
“Virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao. Nhờ những hành động nhanh chóng và quyết liệt của chính quyền Guinea Xích đạo trong việc xác nhận căn bệnh này, chúng tôi có thể đưa ra các phản ứng khẩn cấp nhằm cứu sống người bệnh và ngăn chặn virus càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc WHO khu vực Châu Phi, nói.
Cùng họ với Ebola, virus Marburg được cho là cực kỳ nguy hiểm khi khiến người bệnh chảy máu mũi, miệng và các bộ phận cơ thể khác. Các triệu chứng khác của người mắc virus Marburg bao gồm mất nước, buồn nôn, đau họng và đau bụng.
Mặc dù hiện không có vaccine hoặc liệu pháp kháng virus được chấp nhận để điều trị Marburg, nhưng WHO lưu ý rằng "một loạt phương pháp điều trị tiềm năng" đang được xem xét. Nhiều loại vaccine tiềm năng cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Virus Marburg được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 50%. Tuy nhiên, các đợt bùng phát trước đây từng ghi nhận số ca tử vong cao hơn tỉ lệ này. Năm 2004, virus này bùng phát ở Angola và lây nhiễm cho 252 người, 90% trong số họ đã tử vong. Ghana cũng đã báo cáo về một đợt bùng phát nhỏ trong năm 2022 với 2 trường hợp tử vong.
Virus Marburg được đặt tên theo một thành phố ở Đức - nơi virus được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1967. Vào thời điểm đó, một số khỉ bị nhiễm bệnh được nhập từ châu Phi đã gây ra các đợt bùng phát tại nhiều phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (thủ đô của Nam Tư khi đó, nay là thủ đô của Serbia), khiến 7 người tử vong.