WHO khuyến nghị xét nghiệm COVID-19 trong trường học

Hãng AFP đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 2-7 cho biết việc xét nghiệm COVID-19 nên được thực hiện trong trường học - ngay cả khi chưa phát hiện trường hợp nào - để tránh tác hại của việc học từ xa.

Việc sàng lọc trong trường học trước đây chỉ được khuyến nghị nếu một nhóm ca nhiễm COVID-19 được xác định.

Tuy nhiên, WHO tin rằng kỹ thuật xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh nên được thực hiện ngay cả khi học sinh và nhân viên trường học không có triệu chứng.

WHO khuyến nghị xét nghiệm COVID-19 trong trường học. Ảnh: AFP 

Ông Hans Kluge - giám đốc khu vực châu Âu của WHO - cho biết: “Những tháng mùa hè mang đến cơ hội quý giá cho các chính phủ trong việc đưa ra các biện pháp phù hợp giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm và tránh phải đóng cửa trường học”.

Nhận định trên được ông Kluge đưa ra hôm 2-7 trong một tuyên bố cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

“Tuy hầu hết các quốc gia đều áp dụng hình thức học tập từ xa, song ảnh hưởng của việc không được đến trường là một thách thức đối với trẻ em, đặc biệt đối với các trẻ em khó khăn và bị thiệt thòi" - tuyên bố nêu. 

"Trong năm qua, cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em đã cố gắng thích nghi với môi trường học tập 'mới', song chúng ta không thể mạo hiểm nếu có thêm một năm gián đoạn nữa” - bà Afshan Khan, Giám đốc UNICEF khu vực châu Âu và Trung Á cho biết. 

Theo ông Kluge, việc đóng cửa trường học "cũng tác động tiêu cực đến giáo dục, xã hội và tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên".

“Chúng ta không thể cho phép đại dịch lấy đi môi trường giáo dục và sự phát triển của trẻ em” – ông Kluge nhấn mạnh. 

Theo ông Kluge, đối với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, việc đóng cửa trường học "chỉ nên được coi là biện pháp cuối cùng" khi tình hình đại dịch bùng phát và không thể kiểm soát bằng các biện pháp khác.

Theo tuyên bố, trên toàn khu vực Châu Âu của WHO (trải dài trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ và bao gồm một số quốc gia ở Trung Á), đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập trong năm học 2020-2021. 

Theo dõi của UNESCO về các giải pháp đào tạo từ xa cho thấy 44 trong số 53 quốc gia trong Khu vực Châu Âu của WHO đã đóng cửa các trường học ở phạm vi toàn quốc vào giai đoạn cao điểm của đại dịch hồi tháng 4-2020.

Việc đóng cửa trường học ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục, phát triển và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài việc tước đi các tương tác xã hội, vốn cần thiết trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của các em, việc đóng cửa trường học dẫn đến việc bố trí học tập từ xa và kết quả giáo dục khác nhau. 

Ngoài ra, ngay cả trong những môi trường tốt nhất, những trẻ em chịu thiệt thòi về mặt xã hội hay những em cần được hỗ trợ giáo dục nhiều hơn đã bị tụt lại phía sau, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội giữa và trong các quốc gia.

Trong khi hầu hết các quốc gia mở cửa trường học trở lại vào cuối mùa hè năm 2020, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trong những tháng mùa thu và mùa đông đã dẫn đến các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở hàng chục quốc gia, bao gồm việc đóng cửa trường học ở một số khu vực. 

Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện ở một số quốc gia thành viên trong những tháng mùa đông năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 ở học sinh thấp hơn so với dân số chung, với tỷ lệ nhiễm thứ cấp ở trường học chiếm dưới 1% các trường hợp mắc COVID-19. 

Trước đó, WHO hôm 1-7 đã ra thông báo cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 thứ ba tại châu Âu.

Tuần trước, trung bình số ca nhiễm mới ở 53 nước châu Âu đã tăng 10% sau 10 tuần liên tiếp ghi nhận đà giảm.

Theo WHO, nguyên nhân tăng là sự tổng hòa của nhiều yếu tố nguy cơ: Biến thể Delta hoành hành ngày càng mạnh, trong khi đó các nước đã và đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch và nguy cơ từ sự kiện thể thao giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới