“Bác Cuông thời sự”

- Ơ, đây là bác Cuông trên tivi phải không?... Đúng là bác rồi! Mệ nó ơi, ra xem bác Cuông này. Trên tivi bác ấy thường nói về xóa nghèo, chạy chức. Đúng rồi!

Anh nông dân người Thái trên vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) reo lên khi một ông nghị “đột nhập” vào nhà, người mà anh ta trước đó chỉ được gặp trên tivi.

Thời sự và bác Cuông

Đó là một trong những chi tiết tôi ghi vào nhật ký phóng viên trong một lần theo chân ông đi giám sát chương trình năm triệu hecta rừng. “Sáng nay trưởng thôn báo là có Quốc hội (QH) về. Ai ngờ được gặp bác Cuông!”.

Lần ấy, bên ché rượu cần, đoàn công cán do ông Cuông dẫn đầu và vợ chồng người nông dân trẻ say sưa trò chuyện. Câu chuyện buồn lòng về cuộc chiến giữa người và rừng, giữa tình yêu thiên nhiên và nhu cầu mưu sinh dưới chân núi Na Mèo mây phủ. Trên đường về, ông cho lái xe chở tôi qua một bãi đất trống hoang, nơi người ta từng rầm rộ khởi công Nhà máy bột giấy Châu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào loại tầm cỡ Đông Nam Á nhưng năm, sáu năm sau ở đấy vẫn là nơi để bò gặm cỏ. Phía trên rẻo cao kia là miền tây Thanh Hóa, cả một vùng rừng núi mênh mông trồng rừng nguyên liệu, niềm hy vọng của người dân cứ vơi dần đi khi cây luồng mỗi ngày thêm lớn. Ông trầm ngâm: “Chủ trương, chính sách bao giờ cũng tốt đẹp. Nhưng để người dân tin thì chính sách phải đi vào cuộc sống, phải biến thành niêu cơm của đồng bào”.

“Bác Cuông thời sự” ảnh 1

Đại biểu Lê Văn Cuông chất vấn tại kỳ họp vừa qua của Quốc hội.

Trở lại với câu chuyện của vợ chồng trẻ người Thái. “Anh xem tivi lúc nào mà nhớ bác Cuông thế?” - tôi hỏi.

- Xem hai năm nay rồi, từ lúc sắm được cái tivi, mua cái chảo nên bắt được cả bóng đá, văn nghệ và QH trực tiếp.

- Vậy anh thích nhất chương trình gì?

- Bóng đá cũng thích nhưng thích nhất là thời sự và bác Cuông, hay lắm!

Nghiệp chọn người

Quê ông ở Thiệu Hóa, nơi có nghề đúc nhôm, đúc gang nổi tiếng. Không biết đó có phải là lý do để ông được chọn đi Tiệp Khắc học ngành cơ khí luyện kim. Gần 40 năm trước, kỹ sư luyện kim được học ở nước ngoài như ông là của hiếm. Khi về nước, dù nhận được nhiều gợi ý làm việc ở những nơi “ngon lành” nhưng ông cứ “nhất mực đề đạt nguyện vọng về Thanh Hóa, chỉ muốn cả đời gắn bó với quê nghèo chứ không muốn đi đâu cả”.

Về nhà máy cơ khí ọp ẹp của tỉnh, ngay từ những ngày đầu ông đã hăng hái tham gia các hoạt động của công đoàn. “Với tôi thì bổn phận người đại diện, người của dân như là cái nghiệp rồi. Gần hai chục năm làm ở Liên đoàn Lao động có những lúc tổ chức gợi ý sang chỗ A, chỗ B nhưng cuối cùng vẫn ở lại làm người đại diện của công nhân. Thôi việc ở Liên đoàn Lao động thì lại được cử sang làm đại biểu QH chuyên trách. Mấy ông bạn thân hay đùa là số tôi nó thế, không chạy đi đâu được” - ông Cuông bộc bạch.

- Không chạy đi đâu được nên ông mới hay bức xúc phát biểu lên án về các kiểu chạy, đúng không? - tôi hỏi vui.

- Mình làm gì phải chạy đi đâu. Ngược lại, người ta có muốn chạy vào cái ghế của mình cũng không được. Vì tiền nào mua được sự tín nhiệm của cử tri, của người dân thính tai tinh mắt! - ông nói.

- Vậy tại sao ông chỉ tập trung vào các chủ đề chạy chức, chạy quyền và chất lượng giáo dục mà không phải là chuyện khác?

- Quan tâm thì nhiều chủ đề nhưng cạnh mình còn nhiều đại biểu khác nghiên cứu, đóng góp. Tôi chọn đi vào cái chủ đề nhức nhối, đông đảo cử tri quan tâm nhưng cũng có đại biểu người ta ngại đề cập đến. Vì sao ư? Đầu tư cho chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận, kẻ chạy không từ một thủ đoạn nào, khi chạy được rồi thì tìm đủ mọi cách để kiếm gấp bội số tiền đã bỏ ra đầu tư. Đó là nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực, đồi bại. Mình là đại biểu, dân bức xúc thế, mình ngồi yên sao được.

“Thương hiệu” người-của-dân

- Ông cứ phát biểu và chất vấn rát thế, có bao giờ lãnh đạo tỉnh nói rằng “Anh Cuông ơi, nói nhẹ nhàng thôi, anh nói mạnh thế ảnh hưởng đến quan hệ của tỉnh nhà”? Liệu có người e ngại sự va chạm ở nghị trường làm mếch lòng các “tư lệnh” ngành, sợ họ gây khó dễ cho địa phương?

- Không biết sau lưng thì lãnh đạo tỉnh họ có nói gì không nhưng trước mặt thì họ động viên đó chứ. Họ có không muốn thì tôi cũng vẫn lên tiếng vì ba lý do. Một là mình nói không phải vì cá nhân, không vì mâu thuẫn, thù nghịch với ai. Hai là tiếng nói đó cũng là tiếng nói đồng lòng của nhiều cử tri, mình là người đại diện, phải thay mặt nói lên điều đó. Ba là mình phải giữ thương hiệu Lê Văn Cuông là người-của-dân chứ. Kỳ trước, QH họp đến gần nửa kỳ, có cử tri gọi cho tôi hỏi: “Ông Cuông ơi, ông đang nằm bệnh viện à? Sao kỳ này chưa thấy ông phát biểu?”. Cử tri người ta trông đợi thế, mình phải đáp lại sự tín nhiệm ấy!

- Nhưng việc giữ “thương hiệu” như vậy không đem lại lợi nhuận trực tiếp cho “nhà đầu tư”?

- Nhưng đem bạc tỉ ra có mua được giá trị thương hiệu này không? Chắc là không! - ông cười.

“Tôi chờ xem chuyển biến ra sao!”

Kỳ họp này vẫn xoay quanh câu chuyện chạy chức, chạy quyền nhưng khẩu khí ông mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời lần thứ nhất, ông không hài lòng. Tiếp tục bấm nút chất vấn lần thứ hai, câu trả lời của ông bộ trưởng vẫn chưa làm đại biểu Cuông thỏa mãn. Đến lần thứ ba, đại biểu Cuông bấm nút nhưng không chất vấn nữa mà là góp ý và gợi ý cho bộ trưởng. Không chất vấn lần thứ ba “vì tôi biết có hỏi nữa bộ trưởng cũng trả lời đến thế mà thôi nên tôi mới gợi ý cho bộ trưởng là sao không đề xuất cơ chế công khai thi tuyển lãnh đạo, nhiều ứng cử viên cho một vị trí, bộ trưởng nói khó chẳng lẽ bó tay mãi hay sao”.

Đến phiên chất vấn Thủ tướng, ông tiếp tục làm nhiều người giật mình khi nhận xét “Ban phòng, chống tham nhũng Trung ương do Thủ tướng đứng đầu không quyết liệt như thời gian ban đầu”. Ông đề nghị Thủ tướng xem xét trách nhiệm bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và một ông hiệu trưởng liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tái chất vấn Thủ tướng lần thứ hai, ông nêu đích danh ông chủ tịch một tỉnh năm lần không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhiều người thấy một hình ảnh đại biểu Lê Văn Cuông quyết liệt đến thăng hoa trong phiên chất vấn.

Vài ngày sau phiên chất vấn của kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XII, tôi khá ngỡ ngàng khi nghe ông nói rằng kỳ sau sẽ không chất vấn nữa.

Ông trầm giọng: “Vấn đề chạy chức, chạy quyền tôi bám đuổi nhiều kỳ họp nay rồi, chất vấn từ bộ trưởng đến người đứng đầu Chính phủ rồi. Tôi quyết định từ kỳ sau sẽ không chất vấn chuyện này nữa. Cũng chỉ còn ba kỳ họp là kết thúc QH khóa XII, tôi cũng đến tuổi nghỉ hưu, chờ xem chuyển biến thế nào”.

LÊ KIÊN

Đón đọc ngày mai:

Làng... trời đánh

“Bác Cuông thời sự” ảnh 2

Người dân nơi đây coi sấm sét là “đặc sản” bởi quanh năm vùng đất này gánh chịu những trận cuồng phong và sấm sét làm cháy nhà, chết trâu bò. Nhiều gia đình tán gia bại sản vì sét đánh. Sét nhiều nhất, ác nhất là vào bốn tháng đầu năm khiến mọi công việc vào thời gian này đều phải ngưng trệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm