Bệnh viện dán ảnh bêu xấu trái luật

Khoảng bốn tháng nay, rất đông người nhà bệnh nhân tò mò đến trước bảng cảnh báo trong BV Trung ương Huế (phường Vĩnh Ninh, TP Huế) để xem ảnh của những người bị bắt vì trộm cắp, lừa đảo tại bệnh viện này.

Hoàn lương, đậu đại học vẫn bị bêu

Trước đó, ngày 22-9-2009, ông Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, đã phê duyệt kế hoạch phòng chống cò mồi, lừa đảo trong bệnh viện. Trong đó, văn bản giao phòng Bảo vệ bệnh viện làm bản tin về hoạt động của những kẻ móc túi, trộm cắp, lừa đảo, cò mồi... để bệnh nhân và người nuôi bệnh cảnh giác.

Sau đó, một bảng cảnh báo “Các đối tượng trộm cắp, lừa đảo đã bị bắt tại bệnh viện” được dựng lên trong nhà chờ của bệnh viện.

Các bức ảnh màu này được dán chung trong bảng “tử thần” với các thông báo, quyết định lệnh truy nã các tội phạm hình sự, nguy hiểm. Các ảnh không che mặt, không ghi tên họ nhưng lại chú thích rõ đã từng trộm cắp, hay lừa đảo và móc túi… tại bệnh viện. Hình ảnh mới nhất là một cô gái 23 tuổi, trộm cắp một chiếc xe đạp tại nhà xe của nhân viên bệnh viện, bị bắt giữ ngày 3-1. Cô gái này đã bị Công an phường Vĩnh Ninh xử lý hành chính nhưng đến ngày 21-1, ảnh cô gái vẫn bị dán tại bệnh viện. Một cô gái khác có hành vi lừa đảo. Bảo vệ bệnh viện phát hiện được, lục soát trong túi xách thấy có một bức ảnh cô gái chụp chung với bạn trai tại cầu Tràng Tiền. Sau đó, tấm ảnh trên cũng được trương lên bảng mà không che mặt chàng trai. Đặc biệt, bệnh viện còn dán những bức ảnh sinh viên, học sinh đã có hành vi trộm cắp bị phát hiện cách đây… 6-7 năm.

Bệnh viện dán ảnh bêu xấu trái luật ảnh 1

Nhiều người dân đến xem hình ảnh bêu xấu các đối tượng lấy cắp tài sản tại BV Trung ương Huế. Ảnh: LAM THỦY

Anh N.N.V, người nhà của một sinh viên bị dán ảnh bêu xấu, bức xúc: “Con trai tôi có hành vi trộm cắp một chiếc xe máy cách đây đã bảy năm, đã bị pháp luật xử lý. Nó đã hối cải, đã cố gắng học hành, thi đỗ và tốt nghiệp đại học, đã đi làm. Vậy mà ảnh nó vẫn còn bị dán. Bạn bè, người thân đến bệnh viện đều nhìn thấy khiến con tôi rất xấu hổ và đau khổ. Chúng tôi phải nhiều lần tới bệnh viện yêu cầu thì họ mới chịu gỡ bỏ”.

“Muốn gỡ ảnh phải làm đơn”

Ông Hoàng Trọng Thông, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, giải thích: dán ảnh là để cảnh báo, ngăn ngừa tội phạm. “Tất cả hình ảnh dán lên trên bảng đó đã được sự đồng ý của Công an phường Vĩnh Ninh. Những người nào muốn gỡ hình ảnh đó khỏi bảng thì phải làm đơn gửi cho bệnh viện và công an phường (?). Khi công an phường có xác nhận người đó đã tốt rồi, hòa nhập cộng đồng rồi, không còn trộm cắp, lừa đảo nữa thì chúng tôi sẽ tháo dỡ hình ảnh đó xuống…” - ông Thông nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 21-1, Trung tá Phạm Văn Sẽ, Trưởng Công an phường Vĩnh Ninh (TP Huế), cho biết: Ở BV Trung ương Huế hay xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, phần lớn chúng tôi đã xử phạt hành chính. Họ đã hoàn lương, hòa nhập cộng đồng mà vẫn bị bệnh viện dán ảnh cảnh báo là không đúng. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay và có hướng xử lý kịp thời”.

Cũng cần nói thêm, ngay cả với những người bị phát hiện có hành vi vi phạm, bệnh viện cũng không thể dán ảnh của họ. Theo luật sư Bảo Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Cường (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế), bệnh viện không có chức năng và không có quyền dán ảnh những người bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự treo lên như treo ảnh truy nã. “Làm như vậy là vi phạm pháp luật. Những người bị treo ảnh bêu xấu có quyền khởi kiện bệnh viện” - ông Cường nói.

LAM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm