Bộ VH-TT&DL "sáng tác" cách làm luật riêng?

“Về cơ bản Nghị định 105 điều chỉnh CBCC-VC chứ không điều chỉnh những đối tượng ngoài xã hội và nhân dân. Trên thực tế, chưa có quy định cụ thể cơ quan nào có chức năng xử phạt. Mục tiêu của nghị định là tuyên truyền, vận động để giảm bớt những tiêu cực hoặc phong tục tập quán không phù hợp nên không thể có một cơ quan độc lập làm nhiệm vụ giám sát quy định này. Chúng tôi dựa vào những cơ quan tổ chức, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm nhắc nhở, tuyên truyền trực tiếp”.

Không rõ khi phát ngôn trả lời báo chí, tác giả chấp bút nghị định quy định hình thức tổ chức lễ tang cho CBCC-VC (Nghị định 105/2012/NĐ-CP), ông Hồ Trí Hùng có đại diện cho quan điểm về xây dựng luật của Bộ VH-TT&DL hay không, song rõ ràng đã sai về mục tiêu.

Bởi ngay Điều 1 Luật Ban hành VBQPPL đã nêu rõ đó “là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền…, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tại Điều 82 luật này cũng nói rõ: “VBQPPL của các cơ quan nhà nước trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp văn bản có quy định khác…”.

Vì thế việc nói rằng làm luật (nghị định) để tuyên truyền, khuyến cáo, không giám sát và xử phạt; rồi chỉ áp dụng với CBCC-VC… thì có phải Bộ VH-TT&DL cũng tự “sáng tác” ra cách làm luật riêng cho mình hay không?!

Thực tế có lẽ chính vì tính… hài hước nên các quy định của Bộ VH-TT&DL thường nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của giới báo chí, các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia độc lập. Chỉ tính riêng Chỉ thị số 65 việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, trong vòng sáu tháng kể từ khi văn bản được ban hành, bộ này đã tổ chức ba hội nghị, tám cuộc họp, ban hành 10 văn bản để hướng dẫn thực hiện. Theo thống kê chính thức của Bộ thì ít nhất đã có 50 cơ quan báo chí trung ương và địa phương vào cuộc với gần 300 tin về chỉ thị kể trên.

Thế nhưng thực tế thì danh sách các đại biểu có chức vụ cao ở trung ương và địa phương được “kính thưa” tại các hội nghị, hội thảo, mít-tinh vẫn dài lê thê dù quy định “kính thưa một người” đã có từ hơn tám năm trước. Việc người dân đốt đồ mã hay việc mỗi di tích, đền chùa có nhiều hơn một hòm công đức cũng không có gì thay đổi dù các quy định kể trên đã có hiệu lực từ gần hai năm nay. Điều đáng nói là nhiều người dân, đối tượng chịu điều chỉnh trực tiếp còn chưa hề biết có những quy định kể trên nên vẫn “biếu” nhà lầu, xe hơi, điện thoại,… cho những người đã khuất hay đi “giọt dầu” khắp 2-3 chục hòm công đức trong một đền chùa.

Riêng Nghị định 105/2012 về tổ chức tang lễ CBCC-VC thậm chí còn chưa kịp có hiệu lực đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận vì không phù hợp với đời sống tình cảm và yếu tố tâm linh của đại bộ phận người dân nên đã bị cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp đề nghị “tuýt còi”.

Đến cả Chỉ thị số 65, chỉ thị được đánh giá là tốn kém chi phí truyền thông nhất của Bộ VH-TT&DL, cũng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Trên thực tế, tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” ở các chương trình biểu diễn nghệ thuật vẫn diễn ra tràn lan, đặc biệt là ở các tỉnh, huyện xa trung ương. Vấn nạn nghệ sĩ hở hang cũng đang diễn ra ở hầu khắp các chương trình biểu diễn thời trang, ca nhạc nhưng số các vụ xử lý mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và số tiền mà các nghệ sĩ bị phạt (Thu Minh, Hoàng Yến, Thái Hà: 3,5 triệu đồng/người) chẳng ý nghĩa gì nếu so với cái lợi từ việc được báo chí rầm rộ săn đón vì… bị phạt.

Có lẽ lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cần chỉ đạo bộ phận pháp chế phải “làm lại” ngay ở khâu xây dựng mục tiêu!      

ĐỖ HÀ - VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm