Cái gốc của những văn bản bất khả thi

Trước các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của ngành văn hóa đưa ra thời gian gần đây, phản ứng của dư luận là dễ hiểu vì văn hóa là lĩnh vực liên quan đến đời sống tinh thần, tâm linh của mọi người. Hành vi trong lĩnh vực này thường được điều chỉnh bằng chuẩn mực đạo lý hơn là pháp lý, do đó pháp lý hóa tất cả là điều không tưởng.

Không xứng tầm với cấp ban hành

Tôi thấy một số quy định có điểm đúng, như quy định “cấm đốt đồ mã” hay “mỗi di tích chỉ đặt một hòm công đức”. Việc đốt đồ mã khiến xã hội lãng phí tiền của và còn gián tiếp hủy hoại rừng vì giấy làm đồ mã từ gỗ, nứa mà ra. Mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn tấn giấy bị đốt thành tro rất phí phạm. Quy định khuyến khích mỗi di tích chỉ đặt một hòm công đức cũng là điều nên làm vì đền chùa đặt la liệt các hòm công đức cũng khiến người có lương tri thấy phản cảm. Tương tự, với việc cấm nghệ sĩ ăn mặc hở hang bởi nhiều nghệ sĩ của ta bây giờ hở hang đến mức lố lăng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và gây tác động xấu đối với việc định hướng thị hiếu lành mạnh cho lớp trẻ.

Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao phải hạn chế tặng lẵng hoa và viếng vòng hoa. Không được tặng hoa, phải tặng phong bì thì các cơ quan còn tốn kém hơn nhiều. Vả lại, hạn chế tặng hoa thì người trồng hoa, người kinh doanh hoa bán cho ai? Chắc nhiều người buộc phải xoay sang nghề khác? Thậm chí, quy định này cũng như một số quy định khác như “không được để ô kính trên nắp quan tài” còn có dấu hiệu trái với quyền công dân, quyền con người đã được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận.

Về tính “bất hợp lý, không khả thi” của những quy định kể trên, thứ nhất, nhiều quy định quá tẩn mẩn, không xứng tầm với cấp ban hành là Chính phủ.

Thứ hai là những quy định này đều không có tính khả thi. Nếu đó là những chuẩn mực đạo lý thì chỉ cần tuyên truyền, vận động để dần dần tạo ra nếp sống mới. Nhưng là những chuẩn mực pháp lý thì phải có tổ chức, cá nhân giám sát, xử lý vi phạm. Ví dụ, quy định “cấm đốt đồ mã” ban hành từ năm 2010 nhưng tới nay tivi, xe hơi, nhà lầu giấy vẫn đốt tràn lan mà chưa phạt được ai vì không có ai giám sát, thực hiện việc xử phạt này.

Cái gốc của những văn bản bất khả thi ảnh 1

Thứ ba là các văn bản này đều có những chỗ chưa chặt chẽ, thậm chí là có những quy định trong cùng một văn bản mâu thuẫn với nhau chứ chưa nói là mang ra đối chiếu với các VBQPPL khác.

Ví dụ, nghị định về tổ chức lễ tang yêu cầu công chức, viên chức thực hiện nếp sống giản dị, tổ chức đơn giản, không tốn kém nhưng lễ tang lãnh đạo lại được coi là ngoại lệ, tổ chức khá cồng kềnh, trong khi lẽ ra lãnh đạo phải là tấm gương về nếp sống mới cho người dân noi theo. Rồi nghị định này còn “giao việc” cho cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.

Văn bản qua nhiều cấp thẩm định nhưng vẫn… lọt lưới

Không thể dùng VBQPPL để ép người ta thi hành các hành vi trong đời sống văn hóa. Chỉ những hành vi nào gây hại cho cộng đồng thì mới cần VBQPPL điều chỉnh mà thôi. Vì thế, các cơ quan chức năng có thể ra văn bản nhắc nhở chung đối với những hành vi không tốt, gây tốn kém cho người dân và xã hội chứ không cần ra VBQPPL. Đồng thời, cũng cần chú trọng tới việc phổ biến, tuyên truyền các hành vi đúng đắn, lối sống lành mạnh. Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành thì người dân sẽ học tập và làm theo.

Ví dụ như quy định “chỉ kính thưa một người” có từ năm 2004 nhưng tại các cuộc hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cao cấp, được truyền hình trực tiếp trên cả nước, không ít vị lên phát biểu vẫn kính thưa rất dài dòng mà chưa thấy ai bị phạt. Lãnh đạo không làm gương thì không thể bắt người dân thực hiện được.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số VBQPPL bị chê cười ngày càng tăng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL được thực hiện chưa nghiêm, trình độ của cán bộ quản lý ngày một yếu kém, xa rời thực tế và chưa hiểu bản chất của chính quyền nhân dân.

Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì một nghị định của Chính phủ phải qua một quá trình xét duyệt rất kỹ càng: Từ chủ trương của lãnh đạo bộ, các chuyên viên soạn thảo rồi đề xuất để cấp cục, vụ xem xét, sau đó phải được lãnh đạo bộ đồng ý, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định, Văn phòng Chính phủ cho ý kiến trước khi mang ra thảo luận tại cuộc họp Chính phủ, cuối cùng mới được Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng ký ban hành. Qua nhiều cấp thẩm định như vậy nhưng không hiểu sao những văn bản kỳ lạ như thế vẫn lọt lưới.

Còn nhớ, khi quy định về kiểm tra, xử phạt xe không sang tên đổi chủ tại Nghị định 71 bị dư luận phản ứng, ông cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp đã lên tiếng phê phán quy định này. Vừa rồi ông cục trưởng lại “tuýt còi” Nghị định 105 về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức. Đọc ý kiến của lãnh đạo cơ quan giám sát VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp, tôi quả tình không hiểu Bộ đã thẩm định các văn bản này như thế nào trước khi trình Chính phủ ban hành.

Về phía các cán bộ tham mưu và quản lý, phải chăng trình độ soạn thảo, xét duyệt VBQPPL của họ ngày càng yếu? Yếu như vậy, vì sao vẫn được tuyển dụng, đề bạt? Điều này có liên quan gì đến vấn nạn chạy chức chạy quyền không?

Không chỉ thể hiện trình độ non, nhiều người làm công tác soạn thảo văn bản pháp luật có lẽ rất xa rời thực tế, lại không tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, của người dân. Nếu văn bản được đưa ra xin ý kiến của các chuyên gia, của người dân trước khi ban hành thì chắc chắn những quy định bị chê cười như thế này sẽ giảm rất nhiều.

Phải xử lý kỷ luật việc ban hành văn bản không hợp lý

Tình trạng ban hành nhiều VBQPPL rồi “đắp chiếu” để đấy sẽ gây phí phạm tiền của bởi mỗi nghị định, thông tư đều phải qua rất nhiều khâu biên soạn, thẩm định, xét duyệt mới có thể được ban hành. Đáng lo ngại hơn cả là việc liên tục ban hành các quy định không khả thi sẽ khiến người dân ngày càng coi nhẹ VBQPPL và nghi ngờ năng lực quản lý của Nhà nước.

Tôi cho rằng những cơ quan, cá nhân tham mưu, ký ban hành những văn bản không hợp lý, không khả thi phải bị xử lý để chấm dứt tình trạng này. Tùy từng trường hợp mà mức độ xử lý nặng nhẹ khác nhau, từ phê bình nhắc nhở tới chuyển công tác hoặc phải chịu những hình thức kỷ luật đã quy định trong Luật Cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL phải được thực hiện nghiêm túc hơn. Không thể chấp nhận việc chỉ trong một thời gian ngắn có quá nhiều VBQPPL “có vấn đề” như thế này được.

GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT

ĐỖ HÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm