'Cơm ngon lắm, hôm qua tôi nhận một hộp rồi'

Hơn 10 giờ, ông Phạm Ngọc Thắng (trú quận Thanh Khê) lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng chở đầy giấy và ve chai phía sau. Ngang qua ngã tư Phan Châu Trinh - Hùng Vương, ông khựng lại khi thấy thông báo “Cơm miễn phí hỗ trợ khó khăn mùa dịch COVID-19”. 

“Ông dắt xe lên vỉa hè đi, xíu họ phát cơm miễn phí đó. Cơm ngon lắm, hôm qua tôi nhận một hộp rồi. Nhanh nhanh xếp hàng còn nhận cơm, nhớ đứng cách nhau 2 m nghe” - một người gần đó mách khi thấy ông ngần ngừ, định quay đi. 

Những hộp cơm nghĩa tình

Ông Thắng 49 tuổi, trú ở quận Thanh Khê, đau ốm liên miên nên ông không làm nổi những công việc nặng nhọc. Hàng ngày, ông đạp xe đi nhặt ve chai, giấy vụn để có đồng ra đồng vào phụ gia đình, tính ra cũng được năm năm nay. 

“Tui chưa biết trưa nay lót dạ bằng gì. Đọc thấy thông báo phát cơm miễn phí, mừng không khác gì bắt được vàng” - ông cười xòa.

Ông Thắng (thứ hai, từ trái qua) xếp hàng chờ nhận cơm. Ảnh: T.AN

Không chỉ ông Thắng, rất nhiều những người lao động nghèo là người bán vé số, giúp việc, rửa chén thuê, nhặt ve chai... cũng lần lượt tới xếp hàng để nhận cơm.

Ông Lương Văn Phố (71 tuổi, quận Thanh Khê, làm nghề sửa xe) chia sẻ: “Thủ tướng yêu cầu cách ly toàn xã hội, hạn chế ra đường để chống dịch thì mình phải chấp hành nghiêm, dù cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Có cơm của tụi trẻ hỗ trợ mỗi ngày, tui cũng đỡ lo phần nào”.

Những suất cơm nghĩa tình dành tặng cho người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: T.AN

Hiện CLB tổ chức phát cơm mỗi ngày tại năm điểm trên địa bàn quận Thanh Khê và Hải Châu. Trước mắt hoạt động này sẽ kéo dài đến hết ngày 15-4. Ảnh: TA

Khoảng 11 giờ, những hộp cơm nóng hổi đã lần lượt được nhóm bạn trẻ chuyển đến tay người dân. Ngoài phát cơm, họ còn cử một thành viên làm nhiệm vụ phát khẩu trang, giúp bà con rửa tay sát khuẩn trước khi nhận cơm.

Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng trật tự, dân quân, công an phường nên khu vực việc phát và nhận cơm diễn ra trật tự, mọi người xếp hàng cách nhau 2 m theo đúng quy định. 

Điểm phát cơm trên đường Hàm Nghi. Ảnh: T.AN

Anh Nguyễn Bình Nam (Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau) cho biết thời gian qua, thấy nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn nên CLB đã vận động các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ bà con cơm trưa. 

Ngoài phát cơm, CLB còn phát khẩu trang cho những người đến nhận cơm. Ảnh: T.AN

Trong ngày đầu tiên, CLB đã phát 300 suất cơm ở năm điểm trên địa bàn quận Thanh Khê và Hải Châu. Tới đây, CLB sẽ nâng số lượng lên 500 suất và mở rộng ra 10 điểm phát cơm, sang cả quận Sơn Trà và Liên Chiểu để hỗ trợ được nhiều bà con hơn nữa. 

"Chúng tôi sẽ vận động các nhà hàng hỗ trợ để bảo đảm an toàn vệ sinh cũng như có địa điểm nấu nướng rộng rãi, đảm bảo khoảng cách 2 m giữa người với người. Ngoài ra, CLB sẽ vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, thực phẩm cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ an tâm hơn trong những ngày thực hiện cách ly tại nhà" - anh Nam cho hay. 

Tặng gạo, bánh mì cho người nghèo

Nhiều ngày qua, trên chiếc xe máy của chị Ngô Thị Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) luôn có sẵn một bao gạo 10 kg, một thùng mì tôm và một vài nhu yếu phẩm. Nghe thấy thông tin về trường hợp nào trên địa bàn gặp khó khăn là chị "phóng" ngay đến tìm hiểu hoàn cảnh để kịp thời hỗ trợ. 

Trong đó phải kể đến trường hợp của hai mẹ chị Nguyễn Thị Bích. Chị Bích làm nghề bán vé số, sống trong một căn nhà thuê ở tổ 72. Từ ngày dừng phát hành xổ số kiến thiết trong 15 ngày, chị cũng ở nhà thực hiện cách ly toàn xã hội nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thọ Quang hỗ trợ gạo cho chị Bích. Ảnh: HPN

Nắm bắt được thông tin, Hội Phụ nữ phường đã kịp thời đến hỗ trợ chị gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết trong những ngày chị chưa thể đi làm lại. “Thật sự không biết nói gì hơn ngoài hai chữ cảm ơn. Cảm ơn các chị đã hỗ trợ cho mẹ con lúc này để em an tâm hơn những ngày này”- chị Bích xúc động. 

Chị Hạnh chia sẻ: "Bằng cách này hay cách khác, hội đã vận động 16 hộ miễn giảm tiền thuê phòng trọ. Hy vọng việc vận động giảm tiền nhà và tiền thuê mặt bằng cũng sẽ giúp ích được phần nào cho nhiều hoàn cảnh khó khăn lúc này”.

Tương tự, anh Phạm Văn Bảo (chủ lò sản xuất bánh mì trên xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cũng đã tặng 1.000 ổ bánh mì cho các hộ nghèo, người lớn tuổi, neo đơn trên địa bàn thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn). Số bánh mì này đã được các bạn đoàn viên, thanh niên phát tận tay bà con.

Những hành động vô cùng đẹp đẽ ấy đang tiếp tục kéo dài và lan đi trong mùa dịch.

Người Sài Gòn dìu nhau qua mùa đại dịch COVID-19
Người Sài Gòn dìu nhau qua mùa đại dịch COVID-19
(PLO)- Những ngày đầu tháng 4, những người làm việc trong quán cơm này dường như bận bịu hơn bởi mỗi ngày họ phải chuẩn bị khoảng 1.000 phần quà để dành tặng cho những người lao động nghèo, những người bán vé số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm