COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý của người dân, gây ra căng thẳng kéo dài. Nhiều chương trình hỗ trợ tâm lý cộng đồng đã ra đời để giúp người dân vượt qua những tác động này.
“Thậm chí là có ý nghĩ tự sát”
Chị Phạm Thị Thanh Quí là chuyên viên tâm lý trị liệu, cộng tác với nhiều trung tâm tham vấn tại TP.HCM. Chị cho biết thời gian gần đây, số lượng người đăng ký hỗ trợ tâm lý tại các trung tâm tăng lên rất nhiều. Hầu như các trung tâm, phòng tham vấn không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu của người dân. “Các chuyên viên tâm lý phải làm việc cả ngày đêm, có những buổi tham vấn tâm lý kéo dài đến 9, 10 giờ tối” - chị Quí nói.
Chị còn chia sẻ thêm: “COVID-19 kéo dài gây lo âu, căng thẳng, sợ hãi cho nhiều người. Họ sợ mắc bệnh bất cứ lúc nào, nếu mắc bệnh có thể tử vong. Khi cách ly, không được gặp gỡ gia đình, bạn bè, người thân, nhu cầu giao tiếp xã hội giảm đi cũng làm tăng căng thẳng, mệt mỏi và sợ hãi. Với các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng, người làm ngành du lịch, việc không thể giải quyết vấn đề tài chính khiến họ bị stress, trầm cảm, thậm chí là có ý nghĩ tự sát”.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, TS Lê Minh Công (Phó Trưởng Khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) tiếp nhận thân chủ bằng hình thức trực tuyến và số lượng ca tiếp nhận tư vấn tâm lý nhiều hơn trước đây.
Các vấn đề của thân chủ khá đa dạng. Đó là: Tư vấn cách chống đỡ và quản lý tình huống stress trong dịch bệnh; các vấn đề về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, gây hấn; những vấn đề về mối quan hệ (đặc biệt là khủng hoảng hôn nhân và cách thức nói chuyện với con cái) hoặc những vấn đề trầm trọng như tự tử.
Trang Facebook của dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch”.
(Ảnh chụp màn hình)
Lo lắng, sợ hãi là cảm giác của nhiều người dân trong thời gian dài giãn cách. Chị TV không dễ đi vào giấc ngủ như trước đây dù đã nghe nhạc thiền. Tuân thủ quy định phòng chống dịch, chị ở nhà trong suốt hai tháng qua, không tiếp xúc với ai nhưng lúc nào cũng lo sợ.
Còn với MTV, sinh viên ngành du lịch đang chờ tốt nghiệp, luôn cảm thấy tiêu cực vì mất niềm tin vào ngành mình lựa chọn. Sau thực tập, V. tiếp tục thử việc tại công ty nhưng dịch COVID-19 đến với TP.HCM lần hai khiến công ty phải đóng cửa. Thất nghiệp, không có thu nhập, khu trọ lại đang bị phong tỏa nên V. không thể về quê, những điều này khiến V. căng thẳng và mệt mỏi.
Chỗ dựa tinh thần cho người dân
Nhiều dự án tham vấn tâm lý phi lợi nhuận đã được sáng lập. Một trong đó là “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” của TS Lê Minh Công và các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần.
Tính đến nay, dự án đã có hơn 50 bệnh nhân (BN)/thân chủ đăng ký tư vấn, hỗ trợ. Ngoài các chuyên gia, dự án còn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của tu nữ Sao Khuya. Cô muốn giúp TS Công tổ chức những buổi thiền và hướng dẫn cho thân chủ/BN có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Tuân thủ quy định giãn cách xã hội, các chuyên viên tâm lý đều tư vấn bằng hình thức trực tuyến. Điều này giúp họ có thể gặp gỡ, chia sẻ với nhiều người trên khắp đất nước. Các BN thiếu tự tin, ngại giao tiếp cũng cảm thấy an toàn, mở lòng hơn khi trò chuyện qua điện thoại.
Tuy nhiên, việc tham vấn trực tuyến có thể gây trở ngại trong quan sát và khơi gợi cảm xúc của BN. Nhất là khi nhà tham vấn sử dụng các kỹ năng như thấu hiểu và quan sát, đánh giá. Đồng thời các thiết bị công nghệ cũng làm giảm phần nào cơ hội tác động tới BN bằng cảm xúc.
Để người dân có tâm lý ổn định, đời sống tâm thần tích cực, nhiều giải pháp đã được đưa ra. TS Lê Minh Công cho rằng việc đầu tiên cần phải tiếp cận những nguồn thông tin chính thống về dịch bệnh, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của ngành y tế. Người dân cũng cần hạn chế bình luận tiêu cực trên mạng. Thay vào đó, hãy mang đến các bình luận tích cực và chia sẻ thông tin hữu ích để tinh thần mỗi người tốt hơn.
Thân chủ, bệnh nhân đăng ký qua link để được tham vấn tâm lý với “Quán trọ online”. (Ảnh chụp màn hình)
Thứ hai, dùng thời gian này để nghỉ ngơi và xác định lại các giá trị tích cực của bản thân mà trước giờ chưa nghĩ đến. Mọi người cần hành động tích cực vì các giá trị ấy. Ví dụ, dành thời gian cho người thân yêu, đọc hoặc viết một cuốn sách hay, làm một điều có giá trị, hay xa hơn là có thể phát triển một dự án cá nhân nào đó đóng góp cho cộng đồng.
Thứ ba, xây dựng thói quen tốt và thực hành nó một cách thường xuyên. Bao gồm: Ăn ngủ đủ và đúng, vận động thể chất, đọc sách, trò chuyện với bạn bè, người thân qua mạng xã hội và không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Thứ tư, tham gia vào một chương trình đào tạo hữu ích nào mà trước đó chưa có thời gian thực hiện.
Và cuối cùng, nếu không thể chống đỡ các khủng hoảng, hãy nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Một số dự án tư vấn tâm lý hỗ trợ người dân: - Dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” tại địa chỉ: . Để đăng ký tham vấn tâm lý, người dân điền thông tin theo link: https://forms.gle/kYHXwqHxkGszFy4F6 hoặc số điện thoại: 0888064266. - Dự án “Quán trọ online” do Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và nhóm học viên ThS tâm lý - USSH thực hiện, tại link: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfrOdVnqTRKKSN9opl0fEWmv-YRTsbaB0WfmM9NGJEKPpPxaQ/viewform. - TS Hoàng Minh Tố Nga cùng nhóm sinh viên sắp tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, liên hệ email: duongdung0398@gmail.com. |