Đội nữ rà phá bom, mìn vùng ‘đất lửa’ Quảng Trị

Đội nữ rà phá bom, mìn vùng ‘đất lửa’ Quảng Trị

(PLO)- Cô gái mím môi, ánh mắt tròn xoe nhìn về địa điểm nổ khoảng chừng hơn 100m. Đám nổ khiến một thanh niên như tôi chưa kịp hoàn hồn thì cô gái một mình tiến về vị trí điểm nổ để kiểm tra. 

Hàng ngày những đội rà phá bom mìn tại Quảng Trị vẫn tiếp tục chiến đấu với một “thế lực” ngụy trang dưới lòng đất đang đe họa tính mạng của người dân.

Các vị trí tìm nơi ẩn nấp, khoảng 30 giây nữa sẽ tiến hành hủy nổ.

3...2…1… nổ!

Cô gái nói vào máy bộ đàm để đồng đội làm việc cảnh giới tại các hướng xung quanh vị trí hủy nổ tìm nơi ẩn nấp. Những cô gái này trước đó đã dùng loa phóng thanh để thông báo bà con không đi vào vùng nguy hiểm. Dứt lời, tiếng nổ lớn của một quả lưu phóng 40mm, một quả Blu cùng với thuốc kích nổ phát lên khiến khói và cát tung mù trời.

Cô gái mím môi, ánh mắt tròn xoe nhìn về địa điểm nổ khoảng chừng hơn 100m. Đám nổ khiến một thanh niên như tôi chưa kịp hoàn hồn thì cô gái một mình tiến về vị trí điểm nổ để kiểm tra. Bóng dáng nhỏ nhắn đứng giữa một cánh đồng, xung quanh bán kính 200m không một bóng người.

Sau một phút nhìn theo không chớp mắt, bộ đàm của cán bộ y tế đứng cạnh tôi phát lên “hủy nổ thành công” cùng với tiếng thở phào nhẹ nhõm. Cô là Trịnh Thị Hồng Thắm (29 tuổi) phó đội Nữ rà phá bom mìn của dự án RENEW và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA).

Với thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ vào tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này vĩ tuyến 17, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời. Từ đó Quảng Trị trở thành tuyến đầu - nơi đọ sức sinh tử. Mỹ đã trút xuống Quảng Trị với lượng bom đạn hàng trăm ngàn tấn.

Hàng ngày, những người rà phá bom, mìn và vật liệu nổ vẫn tiếp tục “chiến đấu” với một thế lực ngầm trong lòng đất để hồi sinh lại vùng quê có diện tích ô nhiễm chiếm hơn 81% tổng diện tích toàn tỉnh.

“Bố mẹ yên tâm, con sẽ giữ an toàn cho mình và mọi người”- Thắm, cô gái ở tuổi 24 nói với bố mẹ khi quyết định nghỉ việc tại một trường học để nộp hồ sơ dự tuyển đi rà phá bom mìn. Người Thắm yêu lúc này cũng khuyên ngăn vì cho rằng việc làm này là của đàn ông. Có lúc cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm, không tìm được tiếng nói chung nên hai người giận hờn và nói lời chia tay.

“Em nói với anh ấy rằng, đó là công việc của em, em đã chọn thì anh nên tôn trọng. Nếu không chấp nhận thì chúng ta có thể chia tay. Ngăn cấm không được, anh ấy hạ giọng chuyển sang khuyên ngăn. Anh nói công việc này nguy hiểm, suốt ngày phải tiếp xúc với bom đạn. Rồi sau này chúng ta có con thì càng khó khăn. Nhưng điều đó càng làm em quyết tâm hơn”- Thắm kể.
Đội nữ rà phá bom, mìn vùng ‘đất lửa’ Quảng Trị ảnh 4
Đội nữ rà phá bom, mìn vùng ‘đất lửa’ Quảng Trị ảnh 5

Từng chứng kiến một vụ tai nạn bom khiến một người hàng xóm tử vong. Rồi hơn chục năm trước, gia đình Thắm phát hiện một quả bom nằm trong rẫy. Cô không dám bước chân vào, suốt ngày lo lắng vì sợ ai đó đi ngang qua vô tình dẫm đạp phải hoặc nó sẽ tự nổ khi phơi dưới tiết trời nắng nóng của miền Trung. Sau đó, quả bom được những cô chú của đội rà phát bom mìn lưu động về địa phương lấy.

Những hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu cô suốt hai hôm thức trắng suy nghĩ. Rồi dòng chữ mang tên Trịnh Thị Hồng Thắm cũng được thêu ngay mặt trước bên phải chiếc áo đồng phục vào năm 2015. Từ đó cuộc sống của Thắm gắn liền với những chuyến đi đến những vùng đất lạ. Những nơi cô cùng với đồng đội đi qua sẽ để lại những vùng đất ‘sạch’ để bà con an cư, canh tác.

Thắm giờ đã làm công việc rà phá bom mìn, rồi hai người có đến với nhau - tôi hỏi lại.

Hai đứa mình hiện tại đã có một cháu nhỏ, Thắm cười rồi nói tiếp. Sau khi ngăn cản quyết liệt không được thì anh ấy cũng đồng ý. Em hiểu anh ấy phản đối vì sợ em vất vả chứ không có ý gì cả.

Còn chị Trần Thị Bảo Khuyên từ một người làm công tác đoàn tại địa phương đã quyết định nộp hồ sơ dự tuyển vào rà phá bom, mìn. Gia đình phản đối kịch liệt. Cô giấu mọi người đi nộp hồ sơ để vừa kiếm cho mình một công việc phù hợp. Đồng thời đi tìm lời giải đáp cho sự tò mò: “Tại sao người ta lại làm được việc như vậy?”.

Đến ngày trúng tuyển đi làm thì không thể giấu thêm được nữa. Một cơn thịnh nộ đổ xuống đầu cô vì không nghe lời cha mẹ. Ba mẹ giận, Khuyên cũng giận!

“Lúc đó ba mẹ không thèm nói gì, kiểu muốn thích làm gì thì cứ làm. Nhưng chỉ ít hôm thì ba mẹ cũng phải chấp nhận và động viên làm việc cẩn thận an toàn. Ba mẹ cản cũng chỉ sợ mình nguy hiểm thôi, người Quảng Trị mà, ai cũng đã chứng kiến nhiều việc đau lòng từ bom đạn nên rất ám ảnh” - Khuyên kể.

Bỏ qua những lời khuyên ngăn, nhưng điểm chung các cô gái nhận ra rằng những ngày bắt tay vào công việc cảm giác đều rất sợ và lo lắng, có hôm mệt rã người. Nhưng điều đó không làm họ lùi bước.

“Báo cáo tại vị trí 887 vừa phát hiện một vật liệu nổ” cô nói qua bộ đàm.

Thắm cùng với đồng đội không nhớ rõ đây là lần thứ mấy mình phát hiện ra vật liệu nổ. Mỗi lần ra hiện trường là mỗi lần chạm mặt. Sau những lần đầu bỡ ngỡ, lo sợ. Thắm bảo giờ đây đã mất đi cảm giác đó và cô càng yêu thích công việc này hơn. Có lần phát hiện ra bom bi các cô bỏ cả cơm trưa để tìm kiếm ở khu vực xung quanh.

“Vì khi bom mẹ nổ ra thì có hàng trăm quả bom văng ra khắp nơi, nên thường khi phát hiện 1, 2 quả bom bi thì ở quanh đó thường xuất hiện nhiều quả bom như vậy” - môt cô gái nói.

Vậy cảm xúc lần đầu tiên của Thắm chạm mặt bom đạn? - tôi hỏi.

Giật mình đứng dậy - Thắm vừa nói vừa giật vai của mình lên. Cô gái cho rằng đó là vào một ngày năm 2015, khi lần đầu tiên phát hiện được một quả bom. Như bản năng cô giật mình đứng dậy giữa cánh đồng mà không hề có một suy tính từ trước.

Đó có phải là lần để lại cho Thắm kỷ niệm nhất? - tôi hỏi.

Không phải! Thắm trả lời dứt khoát.

Bà mẹ một con kể rằng, vào một ngày tháng 4, khi cô tham gia rà bom mìn và vật liệu nổ trên một đồng ruộng lúa vừa được người dân thu hoạch tại một xã thuộc huyện Hải Lăng. Lúc này khoảng 8 - 9 giờ sáng, khi đặt máy dò xuống kiểm tra thì những tiếng kêu chói tai đồng loạt vang lên. Lúc đó, rất nhiều bom bi đã được phát hiện.

“Ngày hôm đó trên đường về cứ suy nghĩ nếu không phát hiện kịp thời, lỡ vào vụ mùa người dân sử dụng máy cày va chạm phải thì hậu quả sẽ thế nào. Từ suy nghĩ đó, em thấy rất vui và yêu nghề và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình”.

Sau mỗi ngày làm việc, khoảng hơn 1 giờ chiều những vật liệu nổ sẽ được hủy hoàn toàn. Trừ những quả bom to có thể di chuyển an toàn thì sẽ được đưa về bãi nổ nơi cách xa dân cư để hủy.

Từ khoảng cách hơn 100m, dây kích nổ được kéo đến vị trí đặt hai quả bom phát hiện được trong ngày. Thắm đội phó xách trên tay một hộp thuốc nổ đến hiện trường. Ba người hỗ trợ sử dụng loa phóng thanh đi các hướng để gọi người dân trách xa khu vực hủy nổ 200m.

Trong ngày hôm nay, đội nữ rà phá bom mìn đã trả lại hơn 4.500m2 đất sạch cho người dân xã Hải An. Rồi cứ như thế, hàng ngày các cô gái như Thủy, Thắm, Oanh, Hòa, Nga, Ly, Khánh, Nhung, Nhi, Hương, Hà, Thanh, Yến, Phương, Hậu, Thảo cùng nhiều đồng nghiệp vẫn rong ruổi trên các đường quê Quảng Trị để góp phần xử lý phế liệu chiến tranh.

Đội nữ rà phá bom, mìn vùng ‘đất lửa’ Quảng Trị ảnh 10

“Nhìn nụ cười của người dân tiếp thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục công việc. Còn những điều như vất vả nắng mưa, đối với chị em tôi giờ không còn quan trọng nữa vì đã quá quen rồi, chỉ cần có niềm tin là không có công việc gì không thực hiện được”- Thắm nói.

3 giờ 30 chiều các cô trở về đơn vị, trả thiết bị lại để lấy xe máy ra về nhà. Xe máy tôi lúc này không biết có một sợi dây xích dài của ai đó khóa lại ở bánh sau, không tài nào di chuyển. Tìm đến bảo vệ, người này cười nói "nếu là nhân viên của đơn vị thì sẽ bị phạt vì để xe không ngay ngắn. Làm bom mìn mà, sai một li là đi một dặm".