Ông Trần Minh Ngôn, Trưởng phòng GD&ĐT quận 4, thẳng thắn: “Luật Giáo dục dù đã được Quốc hội thông qua nhưng để áp dụng vào thực tế thì còn nhiều vướng mắc”. Ông Ngôn nêu cụ thể một vấn đề lâu nay ảnh hưởng nhiều đến các trường, phòng kiến nghị nhiều nhưng vẫn không giải quyết được liên quan đến Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Đó là bố trí nhân sự cho bốn vị trí việc làm là nhân viên y tế, kế toán, thủ quỹ và văn thư khi quy định chỉ cho tuyển hai người.
Tương tự, ở một góc khác, ông Lương Lê Minh (Trường ĐH Luật Hà Nội), cho hay các luật trong giáo dục hiện nay chưa điều chỉnh được các vấn đề về các khoản tiền trường, cơ chế chịu trách nhiệm dẫn đến nhiều khoảng trống trong nhà trường.
Cụ thể, ông Minh cho rằng học phí quy định của các cấp học không cao nhưng các khoản thu chi khác phụ huynh phải đóng rất nhiều, cấp học càng thấp đóng càng nhiều các loại quỹ tiền cho nhà trường, cho quỹ phụ huynh. Phụ huynh không đóng cũng không được khi chính giáo viên, nhà trường đang quản lý con họ.
Theo ông Minh, các loại hình quỹ của nhà trường đó là hình thức của quỹ ủy thác. Học sinh, phụ huynh đóng và nhà trường đứng ra sử dụng nhưng lại không có cơ chế nào để giám sát.
“Thực tế không có phụ huynh nào dám lên tiếng. Pháp luật cũng không đủ hành lang về mặt dân sự để kiểm soát. Rõ ràng trong khi Luật Nhà ở có quy định về quỹ chung cư, còn luật dân sự, Luật Giáo dục và văn bản hướng dẫn thiếu hẳn một chương để xử lý vấn đề này nên nó cứ tồn tại mãi” - ông Minh nói.
Từ đây ông Minh cũng cho rằng hiện nay cơ chế chịu trách nhiệm của nhà trường khi đứng ra thực hiện các vấn đề liên quan đến học sinh cũng chưa có.
“Phụ huynh đóng tiền cho trường nhưng khi vấn đề xảy ra thì cơ chế chịu trách nhiệm không có. Trường thuê công ty là sân sau của mình để cung cấp suất ăn. Nếu có sự cố xảy ra đối với suất ăn của học sinh thì cắt hợp đồng với bên dịch vụ là xong? Tôi đề nghị khi soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019, chúng ta nên quy định những vấn đề trên thật cụ thể để thực thi rõ ràng hơn” - ông Minh kiến nghị.