Đề thi tuyển sinh lớp 10: Hướng đến cách ứng xử đẹp

Ngày 2-6, đồng loạt ba TP lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với môn thi ngữ văn, toán (tại Hà Nội) và môn ngoại ngữ (tại TP.HCM). Đa số giáo viên đều nhận định đề thi văn năm nay hướng đến các vấn đề của cuộc sống. Thí sinh thì làm bài với tâm trạng rất thoải mái vì đề thi vừa sức.

Câu chuyện bốn cái cây khiến học sinh thú vị

Phần lớn các thí sinh tại TP.HCM đều cho rằng đề văn khá vừa sức, không có kiến thức ngoài sách giáo khoa. Đặc biệt ở câu 2, bàn về câu chuyện của bốn cái cây với ba cách ứng xử của một số bạn trẻ với một ai đó nổi bật hơn mình khiến các học sinh (HS) bàn luận say sưa khi những cách ứng xử này luôn biểu hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống của các em.

Câu chuyện của 4 cái cây khiến các em rất vui khi làm bài. 

Thầy Đỗ Đức Anh, tổ phó tổ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, nhận xét đề văn năm nay của TP.HCM rất hay, không khô khan mà gần gũi với thí sinh, nhẹ nhàng và chuyển tải những thông điệp cần thiết cho lứa tuổi HS vừa học hết lớp 9.

Các câu hỏi của phần đọc - hiểu cũng không quá khó, HS có học bài và đọc kỹ văn bản là làm được. Riêng câu 4 của phần đọc - hiểu thì hơi khó nhưng thuộc dạng câu hỏi mở và mang tính thời sự.

 “Cá nhân tôi đánh giá rất cao câu hỏi ở phần nghị luận xã hội (câu 2). Đề thi cho bốn hình vẽ với những quan điểm riêng. Thí sinh được chọn một quan điểm mà mình tâm đắc nhất để viết. Đề thi hay ở chỗ không gò bó và khuôn mẫu, yêu cầu HS phải viết về một quan điểm nhất định nào đó. Cái hay của đề thể hiện rất rõ ở điểm này: Giới trẻ ngày nay nhìn nhận cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau và các em được lựa chọn một góc độ mà mình thích nhất để bộc lộ tư duy, chính kiến, được tự do thể hiện sự thấu hiểu về cuộc sống, về bản thân mình” - thầy Anh nói.

Trong khi đó, cô Đặng Huy Lam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, đánh giá: Đề thi phát huy cao sự sáng tạo, khả năng tư duy, phản biện và thao tác lập luận so sánh của HS. Đặc biệt câu 1 và 2 trong đề đưa thí sinh đến gần với cuộc sống để chia sẻ, thấu hiểu và có những góc nhìn, quan điểm của riêng mình.

Nếu ở câu 1, thí sinh thấy được những thách thức của bản thân giúp khẳng định mình qua những hoạt động thiện nguyện, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng và chiến thắng cái tôi nhỏ bé của riêng mình thì ở câu 2, dựa vào hình vẽ, thí sinh tùy vào quan điểm sống của mình để lựa chọn, lý giải một thái độ sống tích cực: Không đố kỵ, so bì với người khác nhưng phải biết tự mình vươn lên để thành công và khẳng định sự khác biệt của bản thân.

Đối với phần nghị luận văn học, thí sinh có hai lựa chọn tùy vào khả năng cảm thụ văn học. Song có lẽ HS tập trung chọn viết về đề tài gia đình. Từ tình cảm cha con trong tác phẩm Chiếc lược ngà, thí sinh có thể liên hệ đến một tác phẩm khác đã biết, đã học hoặc thực tế cuộc sống để thấy được sức mạnh gia đình.

Thí sinh vui vẻ rời phòng thi môn văn tại điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hà Nội: Đề có yếu tố mới mẻ, bất ngờ

Chia sẻ về đề thi môn ngữ văn lớp 10 của Hà Nội, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn văn, Trường Archimedes (Hà Nội), cho rằng năm nay tuy ngữ liệu mới nhưng những câu hỏi về ngữ liệu vẫn rất quen thuộc, kiểm tra kiến thức cơ bản của HS về đọc hiểu văn bản nên HS nếu nắm chắc kiến thức thì hoàn toàn có thể làm tốt và không gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đề thi còn có sự thay đổi về cấu trúc điểm, được điều chỉnh từ cấu trúc 6/4 cho phần 1 và phần 2 như các năm trước sang cấu trúc 7/3.

Đánh giá tổng quan về đề thi, thầy Hùng cho hay đề đã kiểm tra khá toàn diện kiến thức tiếng Việt, văn và kỹ năng viết các đoạn văn nghị luận.

Đặc biệt, về câu hỏi được các thí sinh coi là khó nhất trong đề thi năm nay: “Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình?”, thầy Hùng cho rằng đây là một vấn đề khá thú vị. Hình thức diễn đạt của câu hỏi với hình thức nghi vấn đã có sự khơi gợi, cho phép thí sinh tự do thể hiện ý kiến cá nhân mình, có thể liên hệ thực tiễn cuộc sống cá nhân và xã hội cho bài viết.

“Nhìn chung, đề thi có sự mới mẻ nhưng nếu nắm vững kiến thức, HS cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn” - thầy Hùng nói.

Giữa hai đề thi ở Hà Nội và TP.HCM, các giáo viên đều có chung nhận xét: Đề thi ở Hà Nội kiến thức sách giáo khoa nặng hơn trong khi đề thi ở TP.HCM khó hơn nhiều. Cấu trúc đề thi của hai TP cũng khác nhau. Đề văn tại Hà Nội chia làm hai phần, phần 1 là sách giáo khoa nhưng không có phần liên hệ thực tế. Vì thế khó phát huy được năng lực của HS. Đề thi chú trọng về kiến thức và khả năng cảm nhận tác phẩm văn học, tác phẩm thơ. Trong khi đó, phần sách giáo khoa ở TP.HCM có liên hệ so sánh và có hai đề cho HS lựa chọn. Đề thi không gò bó HS theo khuôn mẫu.

Đối với phần nghị luận xã hội, Hà Nội lẩy được những vấn đề mà giới trẻ đang gặp phải hiện nay. Trong khi đó, TP.HCM cũng đưa ra những vấn đề thực tiễn, yêu cầu thí sinh lựa chọn để bày tỏ quan điểm của mình.

“Đề thi ở TP.HCM hay Hà Nội đều hướng đến các vấn đề của cuộc sống. Nhưng vấn đề của cuộc sống được đưa vào đề thi tại TP.HCM có vẻ gần gũi hơn, thiết thực hơn với HS lớp 9. Do đó, đề thi sẽ tạo cơ hội, tạo hứng thú cho HS làm bài hơn” - một giáo viên văn tại TP.HCM nhận định.

Đề thi tiếng Anh tại TP.HCM có lỗi chính tả 

Với môn thi tiếng Anh tại TP.HCM nhiều thí sinh đã phát hiện có sai sót ở câu 33 trong đề thi.

Tại điểm thi THCS Linh Trung, quận Thủ Đức, thí sinh Tú Anh cho biết câu sai là câu 33, phần rewrite the sentences. Cụ thể, câu này yêu cầu viết lại từ câu “Nowadays young people pay more attention to traditional festivals than they did some years ago” thành câu “Some years back young....” nhưng đề lại in sai chữ “young” ở câu viết lại thành chữ “your”.

Tú Anh cho biết phòng em phát hiện ra lỗi sai và báo giám thị. Sau khi giám thị đi hỏi ý kiến về thông báo lại thí sinh tiếp tục làm bài, câu bị sai bỏ không làm nhưng em vẫn làm và sửa lại lỗi sai. 

Trao đổi với PV vào chiều 2-6, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đây là đề thi chung của toàn TP cho nên nếu có sai sót thì sẽ sai sót hàng loạt. “Sở đã ghi nhận có sai sót về chính tả ngay khi phát đề thi môn tiếng Anh. Ngay lập tức, Sở chỉ đạo các điểm thi thông báo thí sinh làm bài bình thường. Sau đó, ban chỉ đạo hội đồng chấm thi sẽ có bàn bạc và xử lý sau”. Theo ông Nam, có thể lỗi chính tả Sở sẽ chỉ đạo theo hướng có lợi nhất cho thí sinh nên các em cứ yên tâm.

Không được thi vì đi trễ gần ... 70 phút 

Trong ngày thi đầu ở TP.HCM, với môn văn, tại 126 hội đồng thi thường có 718 thí sinh bỏ thi không có lý do; chín hội đồng thi chuyên vắng 58 thí sinh. Buổi chiều với môn thi ngoại ngữ, tại chín hội đồng thi chuyên có tổng cộng 63 thí sinh bỏ thi không lý do.

Thống kê của Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho thấy trong buổi thi môn ngữ văn sáng 2-6, có 497 thí sinh vắng mặt. Có sáu thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó ba thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, một thí sinh sử dụng điện thoại, một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, một thí sinh trao đổi bài.

Tại Đà Nẵng, buổi thi môn văn vắng 106 thí sinh. Trong đó có một thí sinh đi trễ gần 70 phút nên không được dự thi. Tại Hội đồng thi THPT Ngũ Hành Sơn, một HS làm bài thi được 90 phút thì lên cơn sốt cao. Sau khi nộp bài, thí sinh này được lực lượng công an cùng cán bộ tại điểm thi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hiện sức khỏe của em đã ổn định. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm